Trung Quốc đang mất hay cướp việc làm từ dân Mỹ?

23/07/2016 20:33 GMT+7

Không những chẳng giành được việc làm ngành sản xuất từ người Mỹ, Trung Quốc đang mất nhà máy, công ăn việc làm về tay các nước đang phát triển ở châu Á như Việt Nam, Bangladesh.

Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ứng cử viên Donald Trump cho biết Trung Quốc đang cướp việc làm ngành sản xuất của người Mỹ. Trong bài phát biểu hôm 21.7, ứng cử viên thuộc đảng Cộng hòa nói rằng “các giao dịch thương mại thảm họa” làm tổn thương việc làm ngành sản xuất ở Mỹ. Ông Trump cho rằng sự ủng hộ mà Mỹ dành cho tự do thương mại Trung Quốc là sai lầm “khổng lồ”.
Lập luận của ông Trump có vẻ có lý. Với số lượng lớn nhân công giá rẻ hơn nhiều so với Mỹ, Trung Quốc thu hút nhiều nhà sản xuất tìm cách giảm chi phí, tăng lợi nhuận và giữ giá thấp. Từ năm 1999 đến năm 2011, Mỹ mất ít nhất 2 triệu việc làm vì nhập khẩu gia tăng từ Đại lục, theo nghiên cứu được công bố trên tờ Tạp chí Kinh tế Lao động.
Tuy nhiên, công nhân Trung Quốc hiện đối mặt với viễn cảnh khó khăn hơn những gì ông Trump nói. Họ đang mất việc làm vì nền kinh tế nước nhà tăng trưởng chậm lại, chi phí lên cao và cạnh tranh mạnh hơn từ nước ngoài, trong đó có cả Mỹ.
Việc làm hồi hương về Mỹ...
Nhiều nhà máy Mỹ về nhà vì chi phí sản xuất ở Trung Quốc lên cao Reuters
Chủ tich Jim McGregor của hãng tư vấn APCO Worldwide cho hay các ứng cử viên tổng thống Mỹ đang “gào thét về các vấn đề của ngày hôm qua”. Ông McGregor cho rằng “sản xuất để xuất khẩu đang ngày càng khó hơn” ở Đại lục. Thị trường lao động Trung Quốc thay đổi mạnh những năm gần đây.
Khi nền kinh tế tăng trưởng, tạo ra cơ hội trong nhiều lĩnh vực, công việc lắp ráp dây chuyền không còn hấp dẫn như trước. Giới quản lý phải tăng lương để thu hút lao động. Cùng lúc, chính quyền địa phương ở Thâm Quyến, trung tâm thương mại ven biển tiếp giáp với Hồng Kông, cũng như các trung tâm công nghiệp khác nâng đều mức lương tối thiểu bắt buộc, nhằm tăng phúc lợi cho các gia đình lao động, đặt áp lực sản xuất hàng hóa đắt hơn, có giá trị cao hơn lên giới doanh nghiệp.
Các động thái trên đẩy đồng lương của công nhân nhà máy Đại lục lên cao hơn. Mức lương trung bình hằng tháng của họ hiện là 424 USD, hơn 29% so với cách đây ba năm, theo ước tính của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản. Chi phí lao động ở Đại lục hiện cao hơn hẳn so với nhiều nền kinh tế mới nổi khác. Công nhân Việt Nam có lương bằng một nửa so với công nhân Trung Quốc, còn công nhân Bangladesh thì chỉ nhận được chưa đến 1/4 phần lương công nhân Đại lục.
Chi phí lên cao cũng thay đổi đáng kể vị thế cạnh tranh của Trung Quốc so với Mỹ. Trong nghiên cứu công bố năm 2015, hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho hay chi phí sản xuất trong khu chế xuất chủ chốt của Đại lục hiện gần giống như ở Mỹ, sau khi tính tiền lương, năng suất lao động, chi phí năng lượng và nhiều yếu tố khác. Không còn bị quyến rũ bởi cụm từ “tiết kiệm đáng kể chi phí”, doanh nghiệp Mỹ đang đem nhà máy về quê nhà. Khảo sát được BCG thực hiện năm ngoái cho hay có 24% công ty Mỹ đang tích cực hoặc lên kế hoạch di chuyển sản xuất từ Đại lục về Mỹ.
Đối tác cao cấp Hal Sirkin của BCG nhận định: “Mỹ đang ở thế thuận lợi”. Nhà máy về nhà đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều công ăn việc làm hơn cho công nhân Mỹ. Một nửa số nhà sản xuất được khảo sát cho hay họ dự kiến số lượng nhân công làm việc tại Mỹ tăng lên trong 5 năm tới.
... hoặc đến Việt Nam, Bangladesh, Indonesia
Thị phần xuất khẩu dệt may của Trung Quốc sang Mỹ giảm, còn của Việt Nam và Bangladesh tăng hồi năm ngoái Reuters
Ngoài Mỹ, điểm đến dành cho các nhà sản xuất còn là các nước đang phát triển ở châu Á, Canada và Mexico. Đơn cử, Stella International - nhà sản xuất giày dép có trụ sở ở Hồng Kông, gia công cho Michael Kors, Rockport và nhiều thương hiệu lớn khác - đóng cửa một trong các nhà máy ở Trung Quốc hồi tháng 2, đem một phần hoạt động sản xuất đến Việt Nam, Indonesia. TAL - một doanh nghiệp Hồng Kông khác, gia công cho nhiều thương hiệu Mỹ gồm Dockers và Brooks Brothers - có kế hoạch đóng cửa cơ sở ở Trung Quốc trong năm nay, dời đến cơ sở mới ở Việt Nam, Ethiopia.
Các doanh nghiệp khác hiện diện rộng rãi ở Trung Quốc có thể không đóng cửa nhà máy, nhưng đặt mục tiêu đầu tư mới ở nơi khác. Foxconn của Đài Loan, hãng làm iPhone cho Apple tại các nhà máy Đại lục, đang có kế hoạch xây đến 12 nhà máy lắp ráp mới ở Ấn Độ, tạo ra khoảng 1 triệu việc làm.
Dù đến nay, Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu quần áo đến Mỹ lớn nhất, họ đang bị cạnh tranh nhiều hơn từ các đối thủ có chi phí thấp hơn ở châu Á. Năm ngoái, thị phần xuất khẩu dệt may của Trung Quốc sang Mỹ giảm, trong khi của các nước như Việt Nam và Bangladesh tăng, theo báo cáo của Trung tâm Fung Business Intelligence ở Hồng Kông.
“Trung Quốc không phải là địa điểm hấp dẫn cho tất cả các công việc chi phí thấp. Trung Quốc đang đi lên trong chuỗi giá trị, điều này đồng nghĩa với sự điều chỉnh”, James Zimmerman, chủ tịch American Chamber ở Bắc Kinh cho hay.
Giữa tình hình này, công nhân Trung Quốc đang phải đối mặt với cảnh mất việc. Sản xuất là ngành chiếm gần 1/5 việc làm đô thị ở Đại lục và đang bị ảnh hưởng nặng. Song tương lai có thể còn ảm đạm hơn hiện tại. Nhiều ngành công nghiệp hiện chịu gánh nặng công suất dư thừa, chuyện giảm biên chế là khó tránh.
“Nếu ai đó tuyên bố rằng Trung Quốc vẫn đang có thị trường việc làm khỏe mạnh, họ không biết họ đang nói gì”, giám đốc điều hành Leland Miller của hãng nghiên cứu China Beige Book International nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.