Bloomberg trích thông tin từ nhà cung cấp dữ liệu PitchBook cho biết, các quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Trung Quốc đã đổ 1,4 tỉ USD vào các công ty công nghệ sinh học Mỹ trong ba tháng đầu năm nay, chiếm khoảng 40% trong tổng số 3,7 tỉ USD huy động được trong giai đoạn này.
Cùng kỳ năm ngoái, các quỹ của quốc gia châu Á chỉ đầu tư 125,5 triệu USD, tương đương khoảng 7% trong tổng số vốn các công ty công nghệ sinh học Mỹ kêu gọi được.
“Trung Quốc đang thèm khát được tiếp cận lĩnh vực công nghệ sinh học. Tôi không nghĩ rằng sẽ thiếu vắng các nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc”, Joel Marcus, giám đốc điều hành Alexandia Real Estate Equities, công ty tín thác đầu tư bất động sản có chi nhánh đầu tư công nghệ sinh học, nói.
tin liên quan
Thương mại Mỹ - Trung: 24 giờ leo thang căng thẳngHiện không rõ liệu tình trạng căng thẳng thương mại với Mỹ có thể làm chậm dòng tiền đầu tư từ Trung Quốc sang các trung tâm đổi mới y khoa như Thung lũng Silion và Cambridge, Massachusetts hay không. Được biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nhắm mục tiêu đề xuất đánh thuế vào các thiết bị y tế và dược phẩm do Trung Quốc chế tạo. Quốc hội Mỹ cũng đã cố gắng giới hạn khả năng tiếp cận của Trung Quốc trong ngành công nghệ Mỹ.
Tuy nhiên, khi Bắc Kinh cố gắng đưa ngành dược phẩm của họ vượt ra khỏi cái mác nhà sản xuất thuốc giá rẻ, thì làn sóng đầu tư có thể sẽ còn tiếp tục. Bằng cách cho phép các nhà đầu tư đổ tiền nhiều hơn vào các công ty công nghệ sinh học của Mỹ, Trung Quốc có khả năng dễ dàng tiếp cận những phương pháp y khoa mới và tiềm năng lợi nhuận cao có thể đến với họ.
Trung Quốc năm 2015 đưa ra một chính sách công nghiệp đầy tham vọng gọi là “Made in China 2025”, với nỗ lực làm cho các doanh nghiệp công nghệ sinh học và các doanh nghiệp đổi mới khác đủ điều kiện để được hỗ trợ của chính phủ. Mặc dù Bắc Kinh siết chặt nguồn vốn của các công ty trong nước ra nước ngoài trong những ngành như bất động sản, nhưng họ lại khuyến khích đầu tư vào các ngành phục vụ cho mục tiêu chiến lược của đất nước.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dường như đang cố gắng để giữ cho công nghệ y học tiên tiến không bị ảnh hưởng quá nhiều từ căng thẳng thương mại với Mỹ. Bắc Kinh có kế hoạch gỡ bỏ thuế đối với các loại thuốc chữa ung thư nhập khẩu từ nước ngoài vào ngày 1.5.2018, một lợi ích tiềm năng cho các công ty dược phẩm phương Tây. Theo ông Brad Loncar, tổng giám đốc điều hành Loncar Investment, thời gian gỡ bỏ thuế “có lẽ không phải là ngẫu nhiên”.
Các khoản chi tiêu cho thuốc đã tăng lên đáng kể tại Đại lục trong thập niên qua. Theo báo cáo của công ty công nghệ y tế Iqvia, trước đây gọi là QuintilesIMS, năm 2012 Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường thuốc lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Nước này có thể chi tiêu tới 1701 tỉ USD cho thuốc vào năm 2021.
Bán thuốc ở Trung Quốc cũng đang trở nên dễ dàng hơn. Trước đây các hãng thuốc phương Tây thường phải chờ đợi sự chấp thuận trước khi được phép bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng ở quốc gia châu Á vì rào cản quy tắc cồng kềnh. Tuy nhiên, những hạn chế này đang được nới lỏng và khiến cho các nhà đầu tư Trung Quốc khao khát chia sẻ lợi nhuận từ biện pháp y học mới.
Bình luận (0)