Theo Reuters, Ấn Độ dự kiến sẽ tổ chức các thử nghiệm 5G trước khi bắt tay vào triển khai mạng 5G trong vài tháng tới, nhưng tới nay vẫn chưa có động thái nào mời nhà sản xuất thiết bị viễn thông khổng lồ của Trung Quốc tham gia vào cuộc thử nghiệm này. Ngay cả Bộ trưởng Viễn thông Ravi Shankar Prasad cũng trả lời lấp lửng rằng ông “chưa rõ có mời hay không”.
Trong khi đó, Huawei hiện là nhà sản xuất thiết bị 5G lớn nhất thế giới và là trung tâm của các cuộc đối đầu chính trị lẫn kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ trong thời gian gần đây. Thậm chí, chính quyền của ông Donald Trump còn đưa Huawei vào danh sách đen với lý do “an ninh quốc gia” và yêu cầu các nhà mạng nước này không được dùng thiết bị của Huawei do lo ngại bị chính quyền Trung Quốc khai thác nhắm vào các hoạt động gián điệp.
Các nguồn tin nội bộ từ thủ đô New Delhi của Ấn Độ cho biết, Đại sứ Ấn Độ tại Bắc Kinh là ông Vikram Misri đã được Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu hồi tới cơ quan này vào ngày 10.7 vừa qua để “lắng nghe những quan ngại của Trung Quốc về chiến dịch ngăn chặn Huawei khỏi các cơ sở hạ tầng di động 5G ở phạm vi toàn thế giới”.
Trong cuộc họp kín này, các quan chức Trung Quốc đã ngỏ ý đe dọa rằng họ có thể áp dụng lệnh trừng phạt ngược với các công ty Ấn Độ đang kinh doanh tại Trung Quốc nếu nước này “cách ly” Huawei theo áp lực từ Washington.
Trả lời Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chính quyền Bắc Kinh hy vọng Ấn Độ sẽ đưa ra quyết định độc lập về vấn đề nhà thầu 5G. Trong khi đó, phát ngôn viên của Huawei cho rằng, “Huawei đã có một khoảng thời gian kinh doanh và đóng góp khá nhiều cho sự phát triển của Ấn Độ. Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ đưa ra các quyết định độc lập và khách quan, tạo ra một môi trường thương mại công bằng, không phân biệt đối xử với các hoạt động đầu tư và thương mại của các doanh nghiệp Trung Quốc nhằm mang lại lợi ích song phương”.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ từ chối bình luận về vấn đề nhạy cảm này.
Bình luận (0)