Đánh giá thường niên mới nhất của IMD đối với 64 nền kinh tế trên thế giới cho thấy các nước châu Âu đang vươn lên đầu bảng, trong khi châu Á hầu như tụt lại so với các nước phương Tây. Theo xếp hạng năng lực cạnh tranh mới nhất, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan chiếm bốn vị trí dẫn đầu.
Trong khi đó, Trung Quốc lại có mức tăng mạnh nhất trong số các nền kinh tế Đông Á, leo 4 bậc lên vị trí thứ 16 - nhích gần hơn so với Mỹ, nước vẫn giữ vị trí thứ 10.
Tờ Nikkei Asia ngày 17.6 dẫn lời nhà kinh tế Jose Caballero tại Trung tâm Cạnh tranh Thế giới IMD cho biết vào năm 2020, tất cả các nền kinh tế đều đối mặt với hai thách thức: đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế.
Theo ông Caballero: “Trung Quốc đã giải quyết được cả hai thách thức theo cách hiệu quả nhất. Họ có thể kiểm soát sự lây lan của Covid-19 và áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ, đồng thời cung cấp thanh khoản để duy trì và thúc đẩy hoạt động kinh tế hơn nữa, ngay cả trong giai đoạn cao điểm của đại dịch."
Đài Loan vào tốp 10
Theo bảng xếp hạng, Đài Loan tăng 3 bậc lên vị trí thứ 8. IMD cho biết Đài Loan đã đạt được "những tiến bộ trong tất cả các yếu tố cạnh tranh, với sự tiến bộ vượt bậc nhất về hiệu quả kinh tế và tăng việc làm.”
Bước nhảy của Đài Loan được thực hiện khi nền kinh tế này tăng trưởng dựa trên lĩnh vực chip điện tử, vốn được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng nhanh trên toàn cầu đối với thiết bị điện tử. Cuộc khảo sát của IMD đối với các nhà quản lý cho thấy sự đánh giá cao về tính năng động, lực lượng lao động có tay nghề cao, thái độ cởi mở và tích cực và chất lượng quản trị doanh nghiệp của Đài Loan. Hòn đảo này đã chống dịch hiệu quả cho đến khi một đợt bùng phát nghiêm trọng xảy ra vào tháng 5.
Trong khi đó, Hồng Kông liên tục tụt hạng trong 2 năm qua khi từ vị trí thứ 2 vào năm 2019 rớt xuống thứ 5 vào năm 2020 và thứ 7 vào năm 2021. Trong khi việc tụt hạng năm 2020 là do lo ngại Bắc Kinh siết chặt kiểm soát và suy thoái kinh tế, việc tụt hạng năm nay chủ yếu do đầu tư quốc tế và giá cả giảm, cũng như điều kiện việc làm tệ đi đáng kể.
|
Đông Nam Á biến động
Tại Đông Nam Á, Singapore từ vị trí số 1 tụt xuống hạng 5. IMD lưu ý rằng đại dịch đã tấn công mạnh vào đảo quốc phụ thuộc vào thương mại và du lịch này, khiến nhiều người bị mất việc làm, kinh tế suy giảm nghiêm trọng cũng như thâm hụt ngân sách.
Tuy nhiên, những xếp hạng này không có nghĩa là hai trung tâm tài chính châu Á là Hồng Kông và Singapore đang "mờ nhạt dần". Bất chấp những biến động trong năm nay, Singapore và Hồng Kông vẫn nằm trong tốp 10 của bảng xếp hạng, ông Caballero nhấn mạnh.
Một số nền kinh tế Đông Nam Á khác đạt mức tăng khiêm tốn. Malaysia tăng 2 bậc lên vị trí thứ 25, một phần nhờ vào sự cải thiện trong hiệu quả kinh doanh của lĩnh vực tư nhân. Thái Lan đã tăng một bậc lên vị trí thứ 28, nhờ những cải thiện trong một số chỉ số thị trường lao động, luật thương mại và cơ sở hạ tầng khoa học. Indonesia tăng 3 bậc lên vị trí thứ 37, cũng nhờ những thay đổi về lập pháp và sự tin tưởng cao hơn trong giới điều hành.
Giải thích về sự duy trì của châu Âu trong nhóm đầu, ông Caballero nói: "Mặc dù các nền kinh tế phương Tây không thành công trong việc giải quyết đại dịch trong giai đoạn đầu như một số các nước châu Á, nhưng họ đã có thể hỗ trợ hoạt động kinh tế bằng các chính sách và cung cấp thanh khoản phù hợp”.
Bình luận (0)