|
TTXVN trân trọng giới thiệu cuộc trao đổi với phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển và đảo Việt Nam. Ông hiện là giảng viên cao cấp của Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên của Diễn đàn Đại dương Thế giới.
- Phó giáo sư có thể chia sẻ cảm nhận của ông và giới nghiên cứu khoa học về biển, đảo trước việc Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển của Việt Nam?
- Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi: Chúng tôi rất bất bình và cực lực lên án hành vi ngang ngược này của Trung Quốc. Sự bất bình này không chỉ của riêng cá nhân tôi mà cả giới trí thức Việt Nam. Ngay khi sự việc diễn ra, tập thể Ban lãnh đạo và các giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội - nơi từ hàng chục năm nay chúng tôi đã gắn bó bằng nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố quốc tế về biển, đảo Việt Nam đã tập hợp nhau lại để cùng nói lên tiếng nói bất bình và kiên quyết phản đối hành vi coi thường các luật pháp và chứng cứ khoa học quốc tế; thể hiện cam kết sát cánh cùng Chính phủ đấu tranh cho công lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Việt Nam không phải là “nạn nhân” đơn nhất
- Là người đã nhiều năm làm công tác quản lý biển, đảo Việt Nam. Ông có bất ngờ về hành động nêu trên của Trung Quốc?
- Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi: Sự ngang ngược và trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, ngay trong thế kỷ 21 - thế kỷ văn minh này khiến cho dư luận quốc tế và trong nước không tránh khỏi ngỡ ngàng. Và ngay sau sự ngỡ ngàng là quan ngại và bất bình sâu sắc. Tuy nhiên, từ góc nhìn theo chiều sâu nghiên cứu quản lý biển, chúng tôi không bất ngờ vì hành động trên chính là một bước trong tiến trình Trung Quốc thực hiện dã tâm của mình.
Để tiếp tục thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” - chấn hưng dân tộc với ý đồ “Độc chiếm Biển Đông” mà trước hết là “độc quyền khai thác tài nguyên,” Trung Quốc đã triển khai nhiều bước đi và cách tiếp cận. Đáng chú ý là họ ngang nhiên công bố ra Liên hợp quốc “Yêu sách phi lý về Đường lưỡi bò 9 đoạn đứt khúc” vào năm 2009, chiếm 80% diện tích Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia láng giềng quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời để chứng minh khả năng quản lý thực tế không gian đường lưỡi bò phi lý này, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt hoạt động được che đậy và giả danh “dân sự.” Bằng cách đó Trung Quốc chiếm bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough do Philippines tuyên bố chủ quyền năm 2012, chiếm bãi James do Malaysia tuyên bố chủ quyền năm 2013 và lần này Trung Quốc đưa giàn khoan “khủng” Hải Dương-981 xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là cách Trung Quốc cắm các “chốt” an ninh giả danh dân sự để nắn gân các nước láng giềng, để rồi sẽ “gặm nhấm dần” các các vị trí chiến lược trên Biển Đông. Như vậy, yếu tố quân sự thực tế đã được sử dụng trong hành vi của phía Trung Quốc kết hợp đe dọa sử dụng vũ lực trên thực địa.
Năm 2012, chính ông Vương Dĩ Lâm - Chủ tịch Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã mập mờ nói: “Các giàn khoan nước sâu cỡ lớn là lãnh thổ quốc gia di động và là một vũ khí chiến lược của Trung Quốc." Và bây giờ, sự hiện diện của “lãnh thổ di động” này tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã phát đi thông điệp: sẵn sàng xâm chiếm vùng biển của Việt Nam - một quốc gia có chủ quyền, một người bạn láng giềng truyền thống.
Rõ ràng, Trung Quốc đang có bước đi nguy hiểm, bất chấp luật pháp và công luận quốc tế, thách thức toàn thế giới. Đặc biệt, trong thời điểm các tổ chức pháp luật quốc tế của Liên hợp quốc đang xem xét vụ kiện về Đường lưỡi bò, thì hành động của Trung Quốc như vậy không phù hợp với “văn hóa ứng xử” của một quốc gia là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Lấy cớ tìm dầu, Trung Quốc đang “đổ thêm dầu” đốt cháy hòa bình ở Biển Đông. Đơn phương “dương Đông, kích Tây” như vậy trong suốt thời gian dài vừa qua, Trung Quốc đang đe dọa an ninh và hòa bình không chỉ ở khu vực Biển Đông mà còn cả Hoa Đông và ASEAN.
Đối với ASEAN, Trung Quốc vi phạm công khai Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và thể hiện không có thiện chí trong hành động với việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), thách thức mọi nỗ lực của các quốc gia ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã không tôn trọng các thỏa thuận song phương và cam kết cấp cao giữa hai nước về 6 nguyên tắc trong Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 11/10/2011 tại Bắc Kinh, có sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào. Đặc biệt, cách thức hành xử kiểu “nước lớn, trịch thượng” này sẽ từng bước xói mòn tình cảm và tình hữu nghị lâu đời vốn có của nhân dân hai nước Việt-Trung.
Một nước nhỏ, để không nhỏ yếu, cần sức mạnh đại đoàn kết
- Theo phó giáo sư, Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung nên hành động như thế nào để đối phó với dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc?
- Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi: Với tính chất và bản chất vấn đề nêu trên, Việt Nam phải kiên quyết và kiên trì giải quyết vấn đề nguy hiểm này, tiệm tiến và toàn diện. Trước hết, yêu cầu phía Trung Quốc kiềm chế, không nên đổ lỗi cho một nước bé khi mình là nước lớn; dừng ngay những hành động hung hăng đâm va tàu chấp pháp của Việt Nam; ngồi vào bàn đàm phán theo tinh thần “vừa là đồng chí, vừa là anh em”; đừng để phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” trở thành những khẩu hiệu đầu lưỡi.
Phía Trung Quốc không nên để một việc làm không có giá trị pháp lý quốc tế, không phù hợp với xu thế của khu vực và truyền thống hữu nghị hai nước Việt-Trung như vậy tồn tại lâu. Đừng biến Trung Quốc xã hội chủ nghĩa thành “Đế quốc kiểu mới” trong thế kỷ 21 ở Biển Đông với một ấn tượng xấu “vừa ăn cướp, vừa la làng.”
Việt Nam chúng ta - một nước nhỏ, để nhỏ mà không yếu thì rất cần sức mạnh đại đoàn kết. Hành vi sai trái của phía Trung Quốc bộc lộ quá rõ ràng, thách thức toàn thế giới, gây bất ổn định khu vực. Thái độ của Chính phủ Việt Nam cũng thể hiện kịp thời, kiên quyết và rõ ràng. Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đang có những bước đi cần thiết. Hơn lúc nào hết, người Việt Nam trong và ngoài nước, người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới hãy sát cánh, làm rõ âm mưu, thủ đoạn ngang ngược của phía Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.
Tôi cho rằng đây là dịp Việt Nam nên “biến thách thức thành cơ hội”: xem xét lại quan hệ với Trung Quốc; sát cánh cùng các nước ASEAN, vì Việt Nam không phải là “nạn nhân” đơn nhất của các thế lực chính trị cường quyền trong khu vực; xây dựng quan hệ đối tác mới trong khu vực Đông Á và trên thế giới để cùng nhau bảo vệ biển, phát triển bền vững đất nước trong dài hạn.
Mặt khác, cần tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ bản chất vấn đề, hiến kế và ủng hộ chủ trương giải quyết của Chính phủ, lên án những hành vi sai trái, đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực của phía Trung Quốc; đưa những hình ảnh bằng chứng về sự hung hăng, ngang ngược cho cộng đồng thế giới biết.
Ngoài ra, kiên định tiếp cận các giải pháp hòa bình nhưng không từ bỏ quyền tự vệ chính đáng theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Đặc biệt, chúng ta nên có thư chính thức thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc và bảo lưu như một văn bản pháp lý theo tập quán luật pháp quốc tế.
- Xin cảm ơn phó giáo sư Nguyễn Chu Hồi về cuộc trò chuyện!
Theo TTXVN
>> Tàu kiểm ngư tiến sâu, gây áp lực buộc Trung Quốc sớm rút giàn khoan
>> Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép cạnh giàn khoan Hải Dương-981
>> Trung Quốc bắn thử nghiệm tên lửa ngay khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> Vụ giàn khoan Hải Dương-981: Mỹ ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
>> Vụ đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương - 981: Chuyện những tấm đệm của tàu Hải cảnh Trung Quốc
Bình luận (0)