Nhiều loại tên lửa
Những ngày qua, truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc vừa điều động hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 đến khu vực biên giới Ấn Độ. Được xem như S-300 phiên bản Trung Quốc, HQ-9 là một hệ thống tên lửa đối không có tầm bắn tối đa có thể đạt hơn 300 km, trần bay 27 km và tốc độ nhanh gấp 4 lần vận tốc âm thanh, nên có thể đe dọa máy bay và tên lửa ở khoảng cách từ xa.
Theo tạp chí Forbes phân tích một số hình ảnh, hệ thống tên lửa được triển khai ở khoảng cách 50 km so với khu vực hai bên đụng độ hồi tháng 6, nên khả năng kiểm soát và tác chiến của HQ-9 có thể lấn sâu vào bên trong Ấn Độ. HQ-9 cũng chính là loại tên lửa đối không mà Bắc Kinh đã triển khai đến các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Ngoài ra, theo tờ Kashmir Times, Bắc Kinh còn điều động tên lửa phòng không tầm gần HQ-2 có tầm bắn khoảng 45 km đến biên giới Ấn - Trung. HQ-2 kết hợp cùng HQ-9 tạo nên mạng lưới phòng không nhiều tầng ở khu vực này.
|
Không chỉ có tên lửa đối không, tên lửa đạn đạo Đông Phong 21 (DF-21) cũng đã được Trung Quốc điều động đến khu vực biên giới Ấn Độ. DF-21 là một trong 2 loại tên lửa vừa được Bắc Kinh bắn thử ra Biển Đông trong một cuộc tập trận vào cuối tháng 8. Nếu tên lửa bắn thử ở Biển Đông vừa qua là phiên bản chống tàu chiến, thì DF-21 được triển khai đến biên giới với Ấn Độ là loại tấn công mục tiêu trên bộ. Với tầm bắn tối đa có thể vượt 1.700 km và tốc độ nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh, DF-21 đủ sức đánh phá nhiều cơ sở từ xa. Trong trường hợp biên giới Ấn – Trung, số tên lửa DF-21 được Bắc Kinh triển khai có thể đe dọa nhiều cơ sở, căn cứ quân sự nằm sâu bên trong lãnh thổ Ấn Độ. Bên cạnh đó, hỏa lực từ loại tên lửa đạn đạo này có thể hỗ trợ khi cần cho quân đội Trung Quốc dọc theo biên giới Ấn - Trung dài hàng ngàn km.
Phối hợp hỏa lực không quân
Về sức mạnh không quân, Bắc Kinh cũng điều động nhiều loại máy bay chiến đấu đến khu vực trên. Sau vụ đụng độ hồi tháng 6, Trung Quốc đã triển khai thường xuyên khoảng 24 máy bay tiêm kích J-11 và J-16. Đây có thể xem là những dòng máy bay chiến đấu đa nhiệm chủ lực của Trung Quốc hiện nay. Kèm theo còn có các loại máy bay cảnh báo sớm trên không KJ-500, máy bay vận tải Y-8G, máy bay trực thăng chiến đấu và chở quân Mi-17…
|
Đặc biệt, máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình J-20 của Trung Quốc cũng được cho là đã hiện diện ở biên giới Ấn - Trung. Truyền thông Trung Quốc cách đây chưa lâu đã “lên gân” rằng sức mạnh của J-20 cao hơn nhiều so với máy bay chiến Vừa qua, New Delhi đã triển khai máy bay chiến đấu Rafale, vừa nhận hàng từ Pháp, đến vùng biên giới với Trung Quốc.
Các loại tên lửa và máy bay trên, phối hợp cùng lực lượng bộ binh với xe bọc thép, xe tăng hạng nhẹ mà Trung Quốc triển khai đến biên giới với Ấn Độ đã giúp Bắc Kinh hình thành nên thế trận tổng lực, đáp ứng các cuộc xung đột quy mô lớn ở khu vực đồi núi.
Tuy nhiên, sức mạnh thực sự của các loại vũ khí mà Trung Quốc triển khai ở trên vẫn còn là dấu hỏi. Bởi nhiều loại vũ khí của Trung Quốc, điển hình là chiến đấu cơ J-20, chưa được thể hiện kết quả trong thực chiến và bị giới phân tích nhận định vẫn còn nhiều nhược điểm. Ở phía ngược lại, Ấn Độ cũng sở hữu chiến đấu cơ Rafale tối tân của châu Âu, cùng nhiều loại máy bay chiến đấu được cung cấp bởi Nga và cũng chính là những nền tảng cơ sở của các dòng máy bay Trung Quốc tự sản xuất. Về tên lửa, New Delhi cũng sở hữu các hệ thống tên lửa đối không S-300 đầy uy lực. Vì vậy, dù có hỏa lực hùng mạnh, Bắc Kinh chưa hẳn giành ưu thế trước New Delhi nếu hai bên xảy ra xung đột ở biên giới chung.
Bình luận (0)