Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngang nhiên gọi 3 vùng biển diễn ra đồng loạt các cuộc tập trận này là “3 chiến khu chính”, bao gồm cuộc tập trận phi pháp ở Biển Đông diễn ra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Một tàu khu trục mang tên lửa và 2 trực thăng diễn tập bắt giữ một tàu lạ ở biển Hoa Đông, theo Đài CCTV. Cuộc tập trận này có thể được thiết kế cho các vùng biển gần Đài Loan và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) còn tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông và Hoàng Hải, khi Trung Quốc ngang ngược cấm các tàu dân sự đến gần khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 1-5.7.
Trong cuộc họp báo ngày 2.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: “Việc Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.
Bà Hằng cho biết Việt Nam “đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 4.7 cho rằng cuộc tập trận của Trung Quốc là “rất khiêu khích” và Washington phản đối những yêu sách phi pháp của Bắc Kinh.
Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời một nguồn tin quân sự Trung Quốc cho hay “đang dấy lên lo ngại tại Trung Quốc về căng thẳng leo thang với các nước như Mỹ và Ấn Độ”.
Sau đó, căng thẳng song phương tiếp tục gia tăng và Trung Quốc thực thi luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông. Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cho phép Washington cấm vận các quan chức Trung Quốc liên quan.
Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tại Nhật Bản ngày 3.7 ra nghị quyết kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe hủy cuộc gặp dự kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bình luận (0)