Sau khi đưa tàu sân bay tự đóng đầu tiên vào biên chế hải quân hồi cuối năm ngoái, Trung Quốc tiếp tục chuyển sang dự án đóng tàu hải tuần lớn nhất của nước này.
Do Cục Hải sự Quảng Đông triển khai thực hiện, con tàu trị giá 676 triệu nhân dân tệ (2.253 tỉ đồng) được thiết kế để đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ cứu nạn cứu hộ khẩn cấp, chống ô nhiễm đến “thực thi quyền hành pháp” tại các vùng biển, theo Tân Văn xã hôm 8.1.
Reuters dẫn lời thiếu tướng Sisriadi, phát ngôn viên quân đội Indonesia, hôm qua cho biết các tàu hải cảnh và tàu cá của Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, nằm ở phía nam Biển Đông, sau khi Tổng thống Joko Widodo thị sát nơi này. Tuy nhiên, vẫn còn một tàu hải cảnh hiện diện ở khu vực mà Indonesia cho rằng “trong phạm vi thềm lục địa Indonesia”. Tướng Sisriadi khẳng định hải quân Indonesia sẽ tiếp tục hoạt động tại khu vực.
|
Hiện chỉ có lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc, gọi tắt là Hải cảnh, sở hữu tàu tuần tra hơn 10.000 tấn. Chiếc lớn nhất trong nhóm tàu hải tuần là Hải tuần 01 trọng tải 5.418 tấn, theo trang Chinese Military Review. Lâu nay Bắc Kinh vẫn tận dụng lợi thế của các tàu phi quân sự, từ các đội tàu hải cảnh và thậm chí cả tàu cá, nhằm gia tăng sự hiện diện phi pháp tại Biển Đông. Vì thế, giới quan sát tỏ ra quan ngại về động thái Trung Quốc bổ sung con tàu khổng lồ trên vào các đội tàu dân sự.
Chuyên gia Collin Koh của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định: “Trung Quốc sẽ gửi tàu tuần tra 10.000 tấn đến quần đảo Trường Sa, chẳng hạn như phục vụ cho hoạt động xây cất tại đây”. Từ trước đến nay, thế giới luôn phản đối các công trình xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bên cạnh đó, ông Adam Ni, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc, cho rằng tàu tuần tra mới sẽ mang đến lợi thế cho Bắc Kinh tại Biển Đông. Đó là điều mà các bên cần cẩn trọng lưu ý trong lúc quan sát sự cân bằng chiến lược tại khu vực, theo chuyên gia Adam Ni.
Bình luận (0)