Trung Quốc đồng ý bảo vệ thương hiệu 'Trump' cho Tổng thống Mỹ

19/02/2017 13:00 GMT+7

Chính phủ Trung Quốc vừa cấp cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và công ty của ông thứ mà họ tìm kiếm hơn một thập niên qua: sự bảo vệ thương hiệu Trump trong ngành công nghiệp xây dựng ở Trung Quốc.

Theo CNN, ông Trump có nhiều năm đấu tranh bất thành tại các tòa án Đại lục, cố gắng giành quyền kiểm soát thương hiệu Trump song mọi thứ đột ngột thay đổi trong giai đoạn cuối chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của tỉ phú bất động sản.
Hội đồng xem xét nhãn hiệu thương mại Trung Quốc công bố hồi tháng 9 rằng họ vô hiệu hóa yêu cầu bồi thường cho thương hiệu Trump của một hãng khác, dọn đường cho ông Trump giành lấy cái tên này. Tháng 11, không lâu sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ, Trung Quốc trao thương hiệu Trump cho Trump Organization của Tổng thống Mỹ. Thương hiệu trên vừa được đăng ký chính thức trong tuần này sau khi thời gian ba tháng kháng quyết định hết hạn.
Vụ việc này khiến nhiều chuyên gia về đạo đức không hài lòng vì chính quyền Trung Quốc thay đổi quyết định khi ông Trump ngày càng đi lên về mặt chính trị. “Trung Quốc muốn có sự nhượng bộ từ ông Trump và điều này là việc đầu tiên trong một loạt nỗ lực nhằm ảnh hưởng đến Tổng thống Mỹ”, Norman Eisen, một luật sư về đạo đức dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết. Eisen là thành viên của một nhóm chuyên gia từng kiện ông Trump vì vi phạm điều khoản về nhận lương bổng từ nước ngoài trong Hiến pháp. Họ cho rằng ông Trump nhận tiền bằng cách chấp nhận thanh toán nước ngoài cho các dự án kinh doanh.
Song luật sư của Trump Organization nói rằng hoạt động này đơn giản chỉ là để bảo vệ thương hiệu Trump, và rằng lời cáo buộc Tổng thống Trump có thể chịu thỏa hiệp vì được Trung Quốc bảo vệ thương hiệu là hoàn toàn vô căn cứ.
Rất khó đánh giá giá trị của thương hiệu mới. Thương hiệu này được bảo vệ trong các dịch vụ liên quan đến xây dựng, không bao gồm cả ngành khách sạn và bất động sản, vốn là mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp ông Trump. Dù dịch vụ xây dựng không phải là mảng kinh doanh cốt lõi của Trump Organization, công ty vẫn xem trọng bất cứ thứ gì mang thương hiệu Trump.
“Thương hiệu Trump là chìa khóa cho giá trị của các tài sản mà Trump Organization sở hữu”, luật sư Sheri Dillon của Tổng thống Mỹ nói.
Ông Trump cũng có thể nói rằng hiện ông nổi tiếng hơn rất nhiều tại Đại lục so với thời ông khởi động cuộc chiến giành quyền được bảo vệ thương hiệu hồi năm 2006. Tổng thống Mỹ hiện đã nắm giữ hàng chục nhãn hiệu thương mại ở Trung Quốc và đang tìm cách bảo vệ thêm hàng chục thương hiệu khác.
Nhiều người lo ngại về mặt đạo đức khi Tổng thống Mỹ từng quyết định không cắt đứt hoàn toàn quan hệ với doanh nghiệp riêng của ông. Trước khi nhậm chức, ông đi ngược lời khuyên của giới luật sư, những người thúc giục ông bán đi nguồn lợi kinh doanh lớn và để tiền vào một quỹ tín thác để tránh xung đột lợi ích trong quá trình lèo lái Mỹ. Thay vào đó, ông hứa đặt tài sản của mình vào một quỹ tín thác do các con trai của mình kiểm soát.
Ông Trump từng thể hiện lập trường cứng rắn với Đại lục khi tranh cử tổng thống Mỹ, song không thực hiện lời đe dọa gán mác Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ hay áp thuế quan cao lên hàng hóa Đại lục. Các chuyên gia pháp lý Trung Quốc nhận định uy thế chính trị của ông Trump rất có thể đóng vai trò lớn trong quyết định về thương hiệu Trump.
“Hội đồng xem xét nhãn hiệu thương mại Trung Quốc không công khai quyết định của mình, vì thế chúng ta không biết họ dựa trên cơ sở nào để ra quyết định. Điều đáng chú ý về quyết định thương hiệu Trump là thời điểm. Tôi cho rằng chính trị đóng một phần trong việc này ngay cả khi ông Trump không yêu cầu điều gì”, hai chuyên gia Dan Plane và Matthew Dresden về luật sở hữu trí tuệ và thương hiệu quốc tế cho hay.
Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận về vụ việc, cho biết mọi câu hỏi nên được gửi về Trump Organization.
Một lý giải khác về quyết định thương hiệu Trump là Đại lục hiện phản ứng nhanh hơn trước những lời yêu cầu bảo vệ thương hiệu của giới doanh nghiệp phương Tây. Hồi tháng 12.2016, tòa án Trung Quốc nghiêng về phía cầu thủ bóng rổ người Mỹ Michael Jordan, phán quyết rằng hãng sản xuất đồ thể thao Đại lục Qiaodan phải ngừng sử dụng ký tự tiếng Hoa ăn theo tên của ông Jordan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.