Trung Quốc đưa Su-35 ra Biển Đông

10/02/2018 07:52 GMT+7

Trung Quốc thông báo điều động chiến đấu cơ Su-35 ra Biển Đông, được cho là nhằm phản ứng hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ.

Hồi giữa tuần, không quân Trung Quốc (PLAAF) thông báo lực lượng này đã triển khai một số chiến đấu cơ Su-35 cho hoạt động tuần tra tác chiến chung ở Biển Đông, theo Tân Hoa xã. PLAAF nhấn mạnh sự có mặt của Su-35 nhằm nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng này ở vùng biển xa.
Trung Quốc được cho là đã nhận 14 chiếc theo hợp đồng mua 24 chiến đấu cơ Su-35 từ Nga ký hồi năm 2015 và sẽ nhận số còn lại trong năm nay, theo chuyên san The Diplomat. Su-35 là chiến đấu cơ đa nhiệm thế hệ 4++, có thể bay với tốc độ tối đa 2.500 km/giờ, tầm bay 3.400 km và bán kính chiến đấu khoảng 1.600 km.
PLAAF không nói rõ thời gian và địa điểm triển khai cũng như số lượng Su-35 tham gia, nhưng đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai đưa chiến đấu cơ này tới Biển Đông, theo chuyên san Jane's Defence Weekly. Thông tin này được đưa ra 2 ngày sau khi tờ Philippine Daily Inquirer công bố một số hình ảnh chụp từ tháng 6 - 12.2017 cho thấy Trung Quốc đã xây xong những đường băng phi pháp trên 3 bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của VN.
Bên cạnh đó, PLAAF khoe việc điều Su-35 tới Biển Đông không lâu sau cuộc gặp của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN - Trung Quốc và Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Singapore. Trong đó, một số ngoại trưởng đã bày tỏ quan ngại về hoạt động bồi đắp phi pháp ở Biển Đông cùng những hoạt động đơn phương khác gây xói mòn lòng tin và có thể đẩy căng thẳng leo thang.
Trả lời Thanh Niên ngày 9.2, chuyên gia an ninh biển Collin Koh thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) cho rằng việc Trung Quốc triển khai Su-35 tới Biển Đông là bằng chứng cho mô hình ngoại giao của nước này trong nhiều năm qua là vừa tham gia đàm phán hoặc tỏ ý hòa giải vừa phô diễn sức mạnh. Mặt khác, ông Koh nhận định hành động của Bắc Kinh chủ yếu nhắm vào Mỹ, đặc biệt là sau khi tàu khu trục USS Hopper hồi tháng trước tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.

Cũng theo chuyên gia Koh, qua việc Lầu Năm Góc đánh giá Trung Quốc là “thách thức an ninh” trong Chiến lược quốc phòng năm 2018, có thể thấy Washington sẽ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. “Vì vậy, Trung Quốc có thể tiếp tục tăng cường khả năng quân sự trong năm 2018 với lý do “phòng thủ”. Tuy nhiên, chưa thấy có khả năng nước này cho đóng trú hoặc triển khai luân phiên Su-35 và những khí tài khác tới các thực thể tranh chấp, đặc biệt là đảo nhân tạo”, ông Koh nhận định.
Trung Quốc xây dựng lá chắn tên lửa trên biển
Ngày 9.2, tờ South China Morning Post dẫn lời giới chuyên gia Trung Quốc cho hay nước này đang phát triển hệ thống chống tên lửa trên biển để triển khai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong đó, nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình lớn tiếng tuyên bố hệ thống mới nhằm bảo vệ cái gọi là “chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài”.
Ngoài ra, theo chuyên gia quân sự Antony Wong ở Macau, Trung Quốc đã phát triển hệ thống chống tên lửa trên biển HQ-26 thế hệ mới với tầm hoạt động 3.500 km. Hệ thống này có thể sẽ được lắp đặt trên tàu khu trục lớn nhất của Trung Quốc lớp Type 055, có độ choán nước 13.500 tấn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.