Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam

01/11/2022 06:27 GMT+7

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ trong năm nay.

Đứng thứ 4 trong các nhà đầu tư lớn nhất tại VN

Năm 2021, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam hơn 2,13 tỉ USD và xếp thứ 7 trong tổng số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Thế nhưng bước sang những tháng đầu năm nay, dòng vốn FDI từ nước này đã bắt đầu gia tăng. Cụ thể, số liệu từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy tính chung 10 tháng năm nay, FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 1,7 tỉ USD, đứng thứ 4 sau Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc trong tổng số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam đã gia tăng trong thời gian gần đây

Quế Hà

Bên cạnh đó, dòng vốn FDI từ đặc khu hành chính Hồng Kông cũng đạt 1,36 tỉ USD và đứng ở vị trí thứ 5. Tổng cộng trong 10 năm qua (tính đến tháng 10.2022), có 3.512 dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn gần 22,6 tỉ USD. Những năm gần đây, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể, liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn. Nếu như các giai đoạn trước FDI của Trung Quốc chỉ tập trung vào các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và sản xuất hàng tiêu dùng với quy mô nhỏ là chủ yếu, thì thời gian gần đây đã có sự chuyển dịch mạnh, thay đổi đáng kể trong lĩnh vực đầu tư. Dòng vốn FDI của Trung Quốc tập trung vào nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, xơ sợi đến nhiệt điện, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp…

Một số dự án lớn mà các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam như dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 trị giá 1,75 tỉ USD tại tỉnh Bình Thuận; Dự án chế tạo lốp xe Radian tại Tây Ninh với vốn đầu tư và tăng thêm lên hơn 600 triệu USD... Song song đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đầu tư tập trung ở các khu công nghiệp như Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu)…

Theo GS-TS Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, có nhiều lý do giải thích dòng vốn Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam gần đây. Đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung manh nha từ những năm trước đã thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư từ Trung Quốc chuyển một phần vốn sang một nước khác trong khu vực ASEAN. Việc dịch chuyển dòng vốn FDI theo xu hướng “Trung Quốc +1” vẫn đang diễn ra. Hàng loạt tập đoàn nước ngoài sẽ không dồn tất cả vốn đầu tư vào Trung Quốc mà sẽ phân tán và đa dạng hóa đầu tư sang một nước khác.

Với vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp với Trung Quốc là nơi cung ứng nguồn hàng hóa, nguyên liệu quy mô lớn và là một thị trường lớn, Việt Nam có điều kiện để nhà đầu tư tiết giảm chi phí vận chuyển và kết nối ổn định chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Do đó, Việt Nam được đánh giá là lựa chọn hàng đầu ở khu vực ASEAN trong xu hướng này.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn có những lợi thế trong thu hút vốn FDI nói chung từ các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc như lợi thế về lao động, môi trường kinh tế chính trị ổn định, kiểm soát được dịch bệnh và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao…

Thúc đẩy thu hút FDI

Khẳng định Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế để trở thành thị trường thuận lợi nhất cho các dòng vốn đầu tư của Trung Quốc, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - phân tích: Kinh tế Trung Quốc năm nay tăng trưởng thấp, có rất nhiều khó khăn về thị trường do tác động từ dịch bệnh và xung đột quân sự Nga - Ukraine.

Bên cạnh đó, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có tín hiệu cải thiện. Hiện Mỹ đánh thuế vào các hàng hóa từ Trung Quốc rất cao, áp đặt mức thuế nhập khẩu tới 25% đối với hàng nhập khẩu, buộc các doanh nghiệp tại nước này phải tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ số hàng hóa không thể xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời gia tăng đầu tư ra nước ngoài để đối phó với các biện pháp của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam là nước láng giềng có tiềm năng lớn, núi liền núi, sông liền sông, chi phí vận tải thấp. Chưa kể, hiện Việt Nam đã ký 15 Hiệp định thương mại tự do. Hàng hóa sản xuất của Việt Nam vào các thị trường đó thuế suất bằng 0 hoặc rất thấp. Cùng với chi phí nhân công rẻ, chi phí logistics hợp lý, cùng sự ổn định về môi trường chính trị - xã hội , vĩ mô… các yếu tố này đã được các doanh nghiệp Trung Quốc nhận ra, tìm kiếm cơ hội để mở rộng quy mô thương mại hai chiều, tăng nhanh các dự án đầu tư trực tiếp.

“Đây là tín hiệu tốt, cũng là một trong những động lực tạm thời nhưng mang tính chất cơ hội mà VN có thể tận dụng. Một số doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang đầu tư từ Việt Nam, lấy nhãn hiệu “made in Vietnam” để tránh được thuế cao đánh vào hàng Trung Quốc. Nếu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đó sang đầu tư ở Việt Nam, hoạt động bình thường theo đúng quy định pháp luật thì chúng ta không chỉ tăng thêm sản lượng xuất khẩu của hàng Việt Nam mà còn có thể gián tiếp khẳng định thương hiệu hàng Việt tới quốc tế, nâng giá trị gia tăng của hàng Việt”, TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang thăm Trung Quốc. Đây là cơ hội để hai bên tiến thêm bước nữa trong việc phát triển quan hệ hợp tác thêm nhiều lĩnh vực kinh tế như du lịch… Song song, phải phát huy vai trò của các doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt, nâng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị và nâng giá trị gia tăng của hàng Việt.

TS Lê Đăng Doanh

Cũng theo chuyên gia kinh tế này, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đông dân nhất thế giới. Không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam mà hiện nay, còn có rất nhiều nước đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào Trung Quốc thì chuyển 1 bộ phận đầu tư sang Việt Nam để tận dụng cơ hội từ Việt Nam với 15 Hiệp định thương mại tự do. Nhìn trên toàn diện, Việt Nam đang sở hữu cơ hội rất tốt để phát triển mạnh hơn nữa nền kinh tế.

Đồng quan điểm, theo GS-TS Võ Đại Lược, hiện Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong khi đó, số vốn FDI từ nước này chỉ đứng thứ 4 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Như vậy nguồn vốn FDI chưa tương xứng với quan hệ thương mại song phương giữa hai nước. Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại song phương, đa phương như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… với nhiều cơ hội mở rộng hoạt động xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Đó cũng là một trong những ưu thế để thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc chuyển đến Việt Nam đầu tư và từ đó đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Ở chiều ngược lại, khi Việt Nam có lợi thế về địa kinh tế sát bên Trung Quốc thì nhiều tập đoàn nước ngoài từ châu Âu, Mỹ… cũng có thể lập nhà máy ở Việt Nam để bán hàng vào Trung Quốc nhằm tiết giảm được chi phí vận tải, lao động. Chẳng hạn như Samsung đầu tư vào nhà máy sản xuất tại Việt Nam và sản phẩm điện thoại cùng linh kiện từ Việt Nam bán sang nhiều nước, trong đó có cả Trung Quốc với số lượng cũng thuộc top dẫn đầu…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.