Sáng nay 19.3 (theo giờ Việt Nam), hai phái đoàn ngoại giao của Mỹ và Trung Quốc có cuộc hội đàm tại bang Alaska (Mỹ). Về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony J.Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan. Còn phía Trung Quốc gồm ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương, và Ngoại trưởng Vương Nghị.
Truyền thông Bắc Kinh “kẻ đấm người xoa”
Vào hôm qua 18.3, tờ Nhân dân nhật báo, trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng lại 2 bài xã luận của Tân Hoa xã với tựa đề lần lượt là Các lệnh trừng phạt của Mỹ gửi thông điệp sai lầm trước cuộc đối thoại cấp cao với Trung Quốc và Hợp tác Mỹ - Nhật nên tạo điều kiện cho sự ổn định trong khu vực.
Bắc Kinh phải chọn lựaHội nghị thượng đỉnh vừa qua của “bộ tứ kim cương” là bước đột phá lớn trong ngoại giao Indo-Pacific. Giờ đây, Trung Quốc phải đứng trước chọn lựa hoặc chấp nhận và hợp tác với “bộ tứ”, hoặc lựa chọn đứng ở vị thế đối đầu. Nếu tiếp tục chỉ trích “bộ tứ”, Bắc Kinh sẽ tự cô lập mình.
Việc nhóm này thông qua chương trình sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 để hỗ trợ các nước khác là phát huy sự hợp tác hồi năm 2004 khi xảy ra sóng thần ở Ấn Độ Dương theo hình thức quan hệ đối tác cứu trợ thảm họa.
Bên cạnh đó, tuyên bố chung của “bộ tứ” cũng công nhận vai trò trung tâm của ASEAN và tinh thần toàn diện để làm việc với các đối tác ASEAN trong các lĩnh vực như trật tự dựa trên quy tắc hàng hải quốc tế và các chương trình vắc xin ngừa Covid-19.
Đó là những tín hiệu quan trọng về cam kết của chính quyền Tổng thống Biden trong việc tham gia vào Indo-Pacific. Điều này giúp các nước dù hợp tác hay cạnh tranh với Trung Quốc thì đều có vị thế tốt hơn.
GS Rory Medcalf (Hiệu trưởng Trường An ninh quốc gia - Đại học Quốc gia Úc)
|
Bài viết thứ 2 thì chỉ trích thông cáo chung được đưa ra sau hội nghị 2+2 với sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng của Mỹ và Nhật ngày 15.3. Bài viết cũng cho rằng Washington và Tokyo đang bắt tay can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh khi thông cáo chung đề cập các vấn đề như Hồng Kông, Đài Loan, luật hải cảnh mới của Trung Quốc... Theo bài viết, Mỹ đang cố gắng can thiệp vào châu Á - Thái Bình Dương và tham gia tạo nên một vòng vây nhằm vào Trung Quốc. Bài viết chỉ trích đó là ý định xấu xa.
“Một ý định xấu xa như vậy sẽ có nguy cơ gây ra tình trạng hỗn loạn trong khu vực và hoàn toàn đi ngược lại xu thế của thời đại”, bài viết nêu.
Trong khi đó, cùng ngày 18.3, tờ Hoàn Cầu thời báo - một phiên bản thuộc tờ Nhân dân nhật báo - lại đăng bài xã luận mang tựa đề Liệu quan hệ kinh tế sẽ là đột phá trong đàm phán Mỹ - Trung với nội dung “nhã nhặn” hơn về quan hệ Mỹ - Trung. Trong đó, Hoàn Cầu thời báo cho rằng hội đàm ngoại giao cấp cao “cho thấy sự đồng thuận giữa Bắc Kinh và Washington về sự cần thiết phải giải quyết các mối quan hệ đã rạn nứt”.
Bài viết cũng “đổ lỗi” cho việc rạn nứt trong quan hệ hai nước là do các hành động của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Bằng cách kiên quyết theo đuổi chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, Trump đã gây thiệt hại lớn cho các công ty Mỹ, nông dân, các lĩnh vực công nghệ cao và tài chính của nước này”, bài viết nêu, đồng thời cho rằng đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “thể hiện ý chí đảo ngược chiến lược đơn phương sai lầm” thời ông Trump.
Tình thế của Trung Quốc
Thực tế, hai tông điệu có phần trái ngược nhau ở trên phần nào thể hiện tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Trung Quốc khi bước vào cuộc hội đàm trực tiếp cấp cao nhất với Mỹ kể từ khi ông Biden trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Cuộc hội đàm lần này ở Alaska mang tính chất đàm phán để giải quyết bất đồng hai bên.
Chưa đầy 2 tháng kể từ khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Biden đã cấp tập gây áp lực cho Trung Quốc. Từ giữa tháng 2, Washington đã chủ động nhóm họp trực tuyến cấp ngoại trưởng của “tứ giác kim cương” gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ. Đến ngày 12.3, Mỹ lại tổ chức hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của lãnh đạo cao nhất thuộc chính quyền 4 nước trong nhóm rồi đưa ra chiến lược rất cụ thể. Mới đây nhất là thông cáo chung sau cuộc hội đàm 2+2 của Mỹ - Nhật ngày 15.3.
Tất cả đều “tấn công trực diện” vào Trung Quốc về nhiều vấn đề, bao hàm cả những “lằn ranh đỏ” hay “lợi ích cốt lõi” theo định nghĩa của Bắc Kinh như: Biển Đông, biển Hoa Đông, tình hình Hồng Kông, tình hình eo biển Đài Loan… Điều đó khiến cho Bắc Kinh khó chiếm ưu thế khi đàm phán với Washington để giải quyết bất đồng.
Tuy nhiên, năm 2021 là dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm nay, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, cũng muốn thể hiện vai trò quan trọng để đưa nước này tạo nên bước chuyển mới của Kế hoạch trăm năm lần thứ 2 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chính vì thế, mọi sự “xuống nước” của Trung Quốc trước Mỹ sẽ tổn hại hình ảnh của chính quyền Trung Quốc đương nhiệm nói chung, cá nhân ông Tập Cận Bình nói riêng.
Trong bối cảnh như vậy, việc hai bên có tìm được tiếng nói chung hay không sẽ phụ thuộc vào hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden với ông Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới đây.
Bình luận (0)