Trung Quốc hé lộ nạn thao túng bầu cử trong đảng

28/10/2017 07:49 GMT+7

Ba cựu đảng viên cấp cao bị cáo buộc thao túng bầu cử trong đảng, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc hủy bỏ cơ chế tiến cử dựa trên lá phiếu.

Sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) kết thúc ngày 24.10, Tân Hoa xã hôm qua đăng bài viết cáo buộc 3 cựu đảng viên cấp cao thao túng và hối lộ các đại biểu trong cuộc bầu cử nội bộ.
Những nhân vật này gồm cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, cựu Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lệnh Kế Hoạch và cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài. Trong đó, ông Chu và ông Lệnh đang thụ án tù chung thân về nhiều tội danh, còn ông Tôn đã bị cách chức hồi tháng 7 để điều tra về cáo buộc “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Trước đó, Tôn Chính Tài từng được xem là ứng viên sáng giá có thể vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19, thậm chí có thể được cơ cấu làm người kế nhiệm tương lai cho Tổng bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hồi tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc Lưu Sĩ Dư cáo buộc cả ba người này âm mưu thâu tóm quyền lực trong thời gian đương chức, theo tờ South China Morning Post.
Tân Hoa xã không nói rõ chi tiết nhưng khẳng định tình trạng thao túng lá phiếu đại biểu xuất hiện tại 2 đại hội lần thứ 17 (2007) và 18 (2012) khi CPC áp dụng cơ chế bầu cử. Theo đó, các ủy viên chính thức lẫn dự khuyết của Ban Chấp hành trung ương đảng bỏ phiếu chọn ra các thành viên Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Tuy nhiên, nhiều ủy viên bị cho là bỏ phiếu cho có hoặc chỉ ủng hộ những nhân vật cùng “phe cánh”, theo Tân Hoa xã. Đây là lần chỉ trích hiếm thấy của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đối với hệ thống bầu cử mà CPC từng tuyên bố là thể hiện quyết tâm đạt được dân chủ nội bộ.

Cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài Ảnh: Reuters
Từ tình trạng trên, đến Đại hội 19, CPC quyết định thay thế bằng cơ chế “tham vấn” để lựa chọn các lãnh đạo cấp cao. Dù hình thức vẫn là bỏ phiếu, nhưng dựa trên “tham vấn trực tiếp”. Tân Hoa xã không nêu rõ quy trình tham vấn nhưng cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham vấn với 57 đại biểu trong khi những lãnh đạo cấp cao khác đã gặp gỡ hơn 200 đại biểu để nghe họ bày tỏ ý kiến đề cử.
Ngoài ra, CPC nhất trí áp dụng hệ thống bổ nhiệm nhân sự mang tính linh hoạt hơn, có thể thay thế một ủy viên Bộ Chính trị trước khi người này đến tuổi về hưu không chính thức là 68 tuổi. Trong đại hội vừa qua, Phó chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều (67 tuổi), Trưởng ban Tuyên truyền trung ương Lưu Kỳ Bảo (64 tuổi) và cựu Bí thư Khu ủy Tân Cương Trương Xuân Hiền (64 tuổi) đều ra khỏi Bộ Chính trị, theo South China Morning Post.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.