Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ cùng đối phó 'hành vi bắt nạt' của Mỹ

12/06/2019 11:33 GMT+7

Trung Quốc có thể đang muốn tìm đồng minh và đối tác mới giữa căng thẳng thương mại với Mỹ.

Đài RT ngày 12.6 đưa tin giới chức Trung Quốc đang kêu gọi chính phủ Ấn Độ cùng chung sức đối phó với khả năng bị tác động bởi “chủ nghĩa bảo hộ” và các chính sách thương mại của Mỹ đưa ra trong vài tháng qua.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Hán Huy cho rằng những “va chạm thương mại” giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như giữa Mỹ và Ấn Độ có thể trở thành chủ đề quan trọng trong đối thoại giữa Bắc Kinh và New Delhi.
“Chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương trong thương mại đang gia tăng. Làm thế nào để đối phó với hành vi bắt nạt của Mỹ... cũng như bảo hộ thương mại là một vấn đề quan trọng”, ông Trương nói.
Phát biểu được đưa ra trước thềm cuộc họp thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO) sắp diễn ra tại Kyrgyzstan. Dự kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề cuộc họp.
Thứ trưởng Trương nhấn mạnh rằng lãnh đạo 2 nước sẽ hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề “duy trì công lý và phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại” trong thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, ông Trương bày tỏ hy vọng hai nước sẽ tiến tới thỏa thuận thương mại song phương.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc buộc phải tìm đồng minh và đối tác mới giữa căng thẳng thương mại với Mỹ, sau khi Bắc Kinh và Washington áp thuế “ăn miếng trả miếng” lên hàng hóa của nhau.
Tổng thống Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về hành vi thương mại “không công bằng” và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ.
[VIDEO] Mỹ "nắn gân" Trung Quốc với thương vụ 2 tỉ USD xe tăng và vũ khí cho Đài Loan
Năm ngoái, Mỹ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có Ấn Độ. Mới đây, Mỹ loại Ấn Độ khỏi danh sách Chế độ Thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP) vốn cho phép nước này xuất khẩu trên 5 tỉ USD (116.600 tỉ đồng) giá trị hàng hóa hằng năm vào thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng buộc Ấn Độ ngưng mua dầu từ Iran và Venezuela, cũng như muốn nước này hủy thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.