Ngày 3.7, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) loan báo quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận tại Biển Đông từ 8 giờ ngày 5.7 đến 8 giờ ngày 11.7. Khu vực tập trận có các tọa độ 18 độ 11 phút vĩ bắc - 110 độ 27 phút kinh đông, 19 độ 32 phút vĩ bắc - 111 độ 21 phút kinh đông, 18 độ 28 phút vĩ bắc - 114 độ 54 phút kinh đông, 16 độ 19 phút vĩ bắc - 112 độ 51 phút kinh đông và 15 độ 57 phút vĩ bắc - 111 độ 34 phút kinh đông. MSA còn ngang nhiên cấm tàu thuyền vào khu vực nói trên trong thời gian tập trận, nhưng không cung cấp chi tiết.
Theo Reuters, khu vực tập trận trải dài từ phía đông đảo Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa. Hành động này rõ ràng tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và nằm trong chuỗi phô diễn sức mạnh cơ bắp ở Biển Đông của Trung Quốc thời gian gần đây.
Cách đây hơn một tuần, đội tàu tấn công đổ bộ thuộc Hạm đội Nam Hải đã tập trận bắn đạn thật, chiếm đảo ở Biển Đông, theo trang 81.cn và được cho là vừa đưa khu trục hạm Type 052D thứ tư vào biên chế. Khu trục hạm Type 052D được trang bị tên lửa siêu thanh tầm xa YJ-18, vốn được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt tàu chiến trang bị hệ thống phòng thủ Aegis của Mỹ. Trung Quốc có kế hoạch đóng 12 chiếc Type 052D và đến nay mới chỉ có Hạm đội Nam Hải được trang bị loại tàu chiến này.
Trung Quốc gia tăng hành động ở Biển Đông trong bối cảnh Tòa trọng tài thường trực LHQ (PCA) ở Hà Lan sắp ra phán quyết vụ Philippines kiện tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh. Bất chấp những kêu gọi tôn trọng luật pháp của cộng đồng quốc tế, nước này vẫn tuyên bố sẽ không chấp nhận kết quả phân xử đồng thời bị cho là ra sức lôi kéo, chia rẽ các nước trong khu vực về vấn đề này. Đặc biệt, đợt tập trận phi pháp sắp tới sẽ kết thúc chỉ một ngày trước khi PCA chính thức thông báo phán quyết (12.7).
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời giới quan sát nhận định thời gian và địa điểm của đợt tập trận rõ ràng là một thông điệp khiêu khích, mang tính “dằn mặt” về những diễn biến tiếp theo sau phán quyết của PCA. Một số chuyên gia đã cảnh báo Bắc Kinh có thể sẽ đẩy mạnh hành động để tiến tới đơn phương tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Đáng chú ý là trong phát biểu nhân dịp 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 1.7, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố nước này “không bao giờ thỏa hiệp chủ quyền” và “không sợ rắc rối”, theo The Wall Street Journal.
|
Tàu sân bay Mỹ tuần tra Biển Đông
Trong khi đó, Kyodo News dẫn các nguồn tin ngoại giao tiết lộ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo thẳng rằng nước này sẽ có động thái đáp trả nếu Trung Quốc tiếp tục gây bất ổn ở Biển Đông, đặc biệt là sau phán quyết. Washington được cho là sẽ tăng cường tuần tra duy trì tự do hàng hải, hàng không và điều thêm lực lượng đến khu vực. Hiện nhóm tác chiến tàu sân bay gồm hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và một số khu trục hạm tên lửa đang tuần tra ở Biển Đông.
Ngoài ra, hải quân Mỹ thông báo tàu đổ bộ USS Ashland thuộc Hạm đội 7 đã hoàn tất chuyến hải hành qua Biển Đông và có chuyến thăm cảng Singapore, còn 3 khu trục hạm thuộc Hạm đội 3 đang tái hợp để tuần tra Biển Đông sau gần 3 tháng được triển khai hoạt động riêng rẽ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
|
Theo kế hoạch điều động sắp tới, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ có thể sẽ điều lực lượng thuộc nhóm Sẵn sàng đổ bộ số 2 và đơn vị Viễn chinh thủy quân lục chiến tới nam Thái Bình Dương từ tháng 10.2018. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm 4.000 binh sĩ và 3 tàu đổ bộ hiện diện luân phiên trong khu vực. Tờ Stars and Stripes dẫn lời Tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ John Wissler khẳng định kế hoạch mới nhằm tăng cường hiện diện gần phía nam Biển Đông. Theo một số nguồn tin, lực lượng này sẽ huấn luyện chủ yếu ở căn cứ Darwin tại Úc nhưng có thể sẽ thường xuyên hiện diện, tập trận và viếng thăm Đông Nam Á.
Nhật Bản 200 lần điều máy bay ứng phó Trung Quốc
Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) của Nhật Bản cho biết từ tháng
4 - 6.2016, số lần triển khai chiến đấu cơ để theo dõi, ngăn chặn máy bay quân sự Trung Quốc vào không phận là khoảng 200 lần, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả 6 tháng thì thì số lần máy bay Nhật xuất kích để ứng phó máy bay Trung Quốc tăng 50% so với 6 tháng cuối năm 2015, theo tờ Yomiuri Shimbun. “Máy bay quân sự Trung Quốc bay hướng về phía nam và có hoạt động gần Senkaku (quần đảo tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư - NV). Hoạt động của họ dường như đang mở rộng và chúng tôi rất quan ngại về hành động quân sự của Trung Quốc nói chung, bao gồm cả sự di chuyển của tàu hải quân”, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Katsutoshi Kawano cho hay.
Thống kê được công bố gần 2 tuần sau khi ASDF triển khai 1 chiến đấu cơ F-15 để theo dõi máy bay quân sự Trung Quốc bay thẳng về Senkaku/Điếu Ngư. Khi đó, phi công Nhật phát tín hiệu cảnh báo nhưng máy bay Trung Quốc không rút lui, dẫn đến suýt xảy ra đụng độ.
Mới đây, nhằm tăng cường năng lực phòng không ứng phó các nguy cơ trực tiếp cũng như tình hình biến động an ninh khu vực, Nhật đã quyết định chi 40 tỉ USD mua 100 chiến đấu cơ hiện đại để thay thế những máy bay đang lão hóa, theo Reuters.
|
Bình luận (0)