Trung Quốc khó dùng 'chiêu' tẩy chay hàng Mỹ nếu có chiến tranh thương mại

06/07/2018 09:36 GMT+7

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại chực nổ ra, một trong các vũ khí lớn nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể là việc để người dân Trung Quốc tẩy chay nhiều thương hiệu Mỹ.

Song theo Bloomberg, nếu làm thế, ông Tập cũng sẽ mạo hiểm gây thiệt hại cho các công ty nhà. Hoạt động tại Trung Quốc của tất cả thương hiệu Mỹ, từ Coca-Cola cho đến McDonald’s và Walt Disney đều là đồng sở hữu của các hãng Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn.
Một trong các đối tác Trung Quốc chính của Coca-Cola là hãng COFCO Corp. do chính phủ hậu thuẫn. Disneyland Thượng Hải có một phần sở hữu thuộc tập đoàn địa phương, còn nhượng quyền thương mại McDonald’s trong nước cũng được kiểm soát bởi tập đoàn Citic Ltd. và hãng cổ phần tư nhân Citic Capital Holdings.
“Nạn nhân tập đoàn Mỹ hoàn hảo không tồn tại. Số lượng chiến thắng hoàn toàn mà không vô tình đấm vào mặt chính mình là rất nhỏ”, nhà kinh tế tại Bắc Kinh, ông Tom Orlik của Bloomberg Economics, cho biết. Ngay cả khi các doanh nghiệp Trung Quốc không có liên kết sở hữu trực tiếp với thương hiệu Mỹ, việc tẩy chay hoặc trả đũa bằng biện pháp phi thuế quan cũng sẽ tác động đến nhiều đối tác địa phương của các doanh nghiệp Mỹ bị tẩy chay.
[VIDEO] Món sườn heo nướng cũng 'dính đạn' trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Những viên đạn đầu tiên của cuộc chiến thương mại được bắn từ hôm nay 6.7, khi Mỹ áp thuế quan lên 34 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh cho biết họ sẽ áp đặt thuế quan lên cùng khối hàng hóa Mỹ có giá trị tương xứng. Đây là động thái mà ông Trump cho biết sẽ khiến Mỹ ra thêm biện pháp trừng phạt bổ sung với tổng cộng 500 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Tuần này, Mỹ chặn China Mobile Ltd. bước vào thị trường viễn thông Mỹ vì nhiều rủi ro an ninh quốc gia. Giám đốc điều hành Pauline Loong của hãng nghiên cứu Asia-Analytica ở Hồng Kông nhận định: “Đến lúc này không có ai chùn bước”.
KFC ở Trung Quốc Ảnh: Reuters
Không giống như các biện pháp áp thuế quan công khai, việc để dân Trung Quốc tẩy chay hàng hóa xuất hiện một cách đột ngột và thường kèm theo lời kêu gọi đầy tức giận trên các ấn phẩm truyền thông và mạng xã hội do chính phủ Trung Quốc kiểm soát. Trong các cuộc xung đột trước đó với nước ngoài, dân Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các thông tin trong nước, tẩy chay nhiều thương hiệu quốc tế như Toyota Motor, Hyundai Motor, làm tổn thương lợi nhuận doanh nghiệp và thúc đẩy đòn bẩy Đại lục.
Nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ đạt tổng cộng 505 tỉ USD trong năm 2017, trong khi Trung Quốc chỉ nhập 130 tỉ USD từ Mỹ, hạn chế khả năng phản ứng của ông Tập khi cần ăn miếng trả miếng. Dù vậy, các doanh nghiệp Mỹ bán 280 tỉ USD giá trị hàng hóa và dịch vụ ở Trung Quốc năm ngoái, thông qua các công ty con địa phương, theo Deutsche Bank. Con số này có thể là mục tiêu lớn.
“Không sản phẩm Mỹ nào bán ở Trung Quốc, hoặc công ty Mỹ đầu tư ở Trung Quốc, có thể được xem là an toàn trước các biện pháp trả đũa”, Yanmei Xie, nhà phân tích chính sách của Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh cho hay.
Bên cạnh các biện pháp tẩy chay, Bắc Kinh cũng có thể xem xét việc tạo ra nhiều nút thắt quản trị tốn kém cho hàng nhập khẩu từ Mỹ, hoặc áp các biện pháp trừng phạt lên công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, các nhà phân tích tại hãng nghiên cứu TS Lombard viết trong ghi chú hôm 20.6.
Đến nay, các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát ít bàn về việc người tiêu dùng nên phản ứng ra sao trước cuộc chiến thương mại với Mỹ, dù một bài xã luận trên tờ Global Times cũng nêu bật tâm lý chống Mỹ ở châu Âu, và đưa tin dân Canada kêu gọi tẩy chay hàng Mỹ vì ông Trump áp thuế quan nhôm, thép lên nước này. Các thương hiệu tiêu dùng như McDonald’s và KFC trong quá khứ từng là những mục tiêu dễ dàng vì họ có hàng ngàn nhà hàng trên cả nước.
Pháo hoa tại Resort Disney Thượng Hải Ảnh: Reuters
Song từ phong trào chống thương hiệu Mỹ trong năm 2016 bằng việc kêu gọi tẩy chay, các chủ sở hữu Mỹ của cả hai hãng thức ăn nhanh đều đã bán quyền kiểm soát cho công ty hoạt động tại Trung Quốc của họ.
Oak Brook, công ty McDonald’s ở Illinois, chỉ sở hữu 20% mảng kinh doanh tại Trung Quốc. Họ bán phần 80% quyền kiểm soát hồi tháng 7 năm ngoái cho Citic và các nhà đầu tư khác. Yum! Brands Inc. thì không còn sở hữu KFC và Pizza Hut ở Trung Quốc. Hai thương hiệu này ở Đại lục tách ra khỏi Yum China Holdings Inc. năm 2016. Coca-Cola thì bán tài sản mảng đóng chai ở Trung Quốc cho COFCO và Swire Pacific tháng 4.2017.
Ngoài ra, người tiêu dùng cố gắng trừng phạt Mỹ bằng cách tránh xa công viên chủ đề 5,5 tỉ USD của Disney ở Thượng Hải sẽ làm tổn thương chính các doanh nghiệp nhà, vì công ty Mỹ chỉ là cổ đông thiểu số tại Disneyland Thượng Hải. Hãng Shanghai Shendi Group sở hữu 57% công viên vốn thu hút hơn 11 triệu du khách trong năm đầu mở cửa này.
Tóm lại, nếu người tiêu dùng Trung Quốc tìm cách trừng phạt thương hiệu Mỹ, họ có thể vô tình trừng phạt một thương hiệu Trung Quốc. Song đây có thể là cái giá mà ông Tập sẵn sàng trả, đặc biệt là khi ông không phải là người duy nhất đối mặt với nguy cơ thiệt hại tài sản song song. Nỗ lực trừng phạt Trung Quốc của ông Trump cũng sẽ khiến các công ty và nông dân Mỹ chịu thiệt ít nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.