Theo Neowin, điều này nhằm chống lại những nỗ lực của Mỹ trong việc kêu gọi các đồng minh của mình loại bỏ công nghệ của Trung Quốc khỏi mạng lưới của họ.
Nguồn tin cho biết kế hoạch này nhằm mục đích kêu gọi xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn toàn cầu về bảo mật dữ liệu, đồng thời phải phản ánh nguyện vọng và lợi ích của đa số các quốc gia. Những quốc gia cùng tham gia với Trung Quốc theo đề xuất “Sáng kiến Toàn cầu về An ninh Dữ liệu” sẽ được yêu cầu giải quyết vấn đề bảo mật dữ liệu một cách “toàn diện, khách quan và dựa trên bằng chứng”. Dự thảo cũng nêu rõ cần duy trì một chuỗi cung ứng mở, an toàn và ổn định cho thông tin, công nghệ truyền thông và dịch vụ.
Dự thảo kêu gọi các chính phủ tôn trọng chủ quyền không gian mạng của các quốc gia khác, cho phép họ toàn quyền kiểm soát phần internet của mình. Ngoài ra, dự thảo cho rằng tất cả quốc gia nên phản đối việc giám sát hàng loạt đối với các quốc gia khác và các công ty công nghệ không được cài đặt cửa hậu (backdoor) trong các sản phẩm và dịch vụ của họ.
Trung Quốc đã bắt đầu liên hệ với các chính phủ trên thế giới để xem liệu họ có quan tâm đến chương trình hay không, tuy nhiên không rõ họ đã nhận được bao nhiêu sự đồng thuận của quốc tế.
Kể từ khi Mỹ công bố chương trình Clean Network, đã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia. Chương trình Clean Network sẽ loại bỏ các công ty viễn thông, ứng dụng, nhà cung cấp dịch vụ đám mây và cáp biển của Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng internet mà Mỹ và các quốc gia khác sử dụng.
Với việc Trung Quốc và Mỹ dường như đang xây dựng liên minh mạng riêng, chúng ta có thể thấy sự phát triển của "chiến tranh lạnh" trong lĩnh vực không gian mạng, nơi các quốc gia trên thế giới sẽ sử dụng hai mạng lưới khác nhau.
Bình luận (0)