Trong quý 2 năm ngoái, Mỹ đã công bố Đạo luật giảm phát, với gói trợ cấp lên tới 370 tỉ USD dành riêng cho quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm việc giảm thuế xe điện và pin năng lượng cho các công ty sản xuất trong nước. Đạo luật này đã giúp mang lại nguồn cung tài chính khổng lồ cho lĩnh vực năng lượng sạch nội địa, nhưng đồng thời ảnh hưởng đến quan hệ thương mại với các nước khác, trong đó có Trung Quốc. Bắc Kinh phản đối các khoản trợ cấp mà họ gọi là mang tính phân biệt đối xử theo Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ.
Đạo luật của Mỹ có phạm vi rộng. Nó cung cấp hàng tỉ USD tín dụng thuế để giúp người tiêu dùng mua xe điện và các công ty sản xuất năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, theo đài CNBC, Trung Quốc cho rằng ứng phó với biến đổi khí hậu chỉ là vỏ bọc, khoản trợ cấp của Mỹ trên thực tế phụ thuộc vào việc mua và sử dụng hàng hóa từ Mỹ hoặc nhập khẩu từ một số khu vực cụ thể.
Do đó, Trung Quốc đang tiến hành các thủ tục tố tụng "để bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc và duy trì một sân chơi cạnh tranh công bằng cho thị trường toàn cầu".
Một quan chức của WTO xác nhận rằng đã nhận được yêu cầu tham vấn tranh chấp về vấn đề này từ Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết cơ quan này kêu gọi Washington "nhanh chóng điều chỉnh các chính sách công nghiệp mang tính phân biệt đối xử và duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cho các phương tiện sử dụng năng lượng mới".
Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Washington đang xem xét yêu cầu tham vấn của Trung Quốc tại WTO "liên quan đến các phần của Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 và các biện pháp thực thi đạo luật này".
Bà Tai khẳng định đạo luật của Mỹ đang đóng góp cho "tương lai năng lượng sạch", đồng thời cáo buộc Trung Quốc sử dụng "chính sách không công bằng, phi thị trường" để tạo lợi thế cho các nhà sản xuất Trung Quốc".
Về WTO, sẽ phải mất ít nhất 6 tháng để tổ chức này có kết luận về tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bình luận (0)