Trung Quốc lo 'vỡ quỹ' lương hưu vì chính sách 1 con

12/04/2019 19:00 GMT+7

Nghiên cứu mới công bố cho rằng tác động từ chính sách một con sẽ khiến quỹ bảo hiểm xã hội của Trung Quốc cạn kiệt trong vòng 16 năm tới.

Tờ South China Morning Post ngày 12.4 dẫn nghiên cứu của Trung tâm Bảo hiểm xã hội Thế giới (WSSC) thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cảnh báo quỹ lương hưu chính của nước này sẽ cạn tiền vào năm 2035 do số người trong độ tuổi lao động giảm.
Quỹ lương hưu lao động thành thị tại nước này đạt 4.800 tỉ nhân dân tệ (16,57 triệu tỉ đồng) vào năm ngoái và dự kiến đạt đỉnh 7.000 tỉ nhân dân tệ vào năm 2027 trước khi giảm xuống bằng 0 vào năm 2035.
Đến năm 2050, dự báo quỹ sẽ âm đến 11.000 tỉ nhân dân tệ. Khi đó, mỗi lao động phải “gánh” một người về hưu, bằng phân nửa mức hiện nay.
Nghiên cứu xác nhận lo ngại từ lâu của người dân, đặc biệt là giới trẻ, đối với nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội và đây sẽ là thách thức đối với Bắc Kinh sau gần 4 thập niên áp dụng chính sách một con.
[VIDEO] Người dân không chịu sinh con, Trung Quốc đau đầu giải quyết
Số người dân trên 60 tuổi đạt 249 triệu vào cuối năm 2018, tương đương 18% dân số và gần bằng 3/4 dân số Mỹ. Trong khi đó, nỗ lực cân bằng cơ cấu dân số đến nay vẫn chưa có nhiều hiệu quả.
Số sinh năm ngoái là 15,23 triệu trẻ, mức thấp nhất kể từ năm 2014 khi dừng áp dụng chính sách một con.
Theo quy định, người sử dụng lao động ở Trung Quốc phải trích 20% lương của lao động để đóng bảo hiểm xã hội, trong khi người lao động đóng 8%.
Dù quy định bắt buộc nhưng vẫn còn nhiều vi phạm. Tháng trước, Quốc vụ viện thông báo sẽ hạ mức đóng của người sử dụng lao động xuống 16% nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp, dù điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu quỹ bảo hiểm xã hội.
Năm ngoái, chính phủ lập 1 quỹ đặc biệt nhằm chuyển nguồn thu bảo hiểm xã hội từ các tỉnh giàu hơn như Quảng Đông và Chiết Giang sang các tỉnh khó khăn như Liêu Ninh.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang cân nhắc việc tăng tuổi hưu, trong khi nhiều chuyên gia cho rằng nên tiến hành sớm để tránh khủng hoảng trong những năm tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.