Tờ South China Morning Post hôm qua dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ “điều động thêm binh sĩ và đang sửa chữa đường” dọc khu vực biên giới giữa hai nước. “Ấn Độ không chỉ hiện diện trái phép trên lãnh thổ Trung Quốc hơn một tháng qua mà còn sửa đường ở phía sau, tích trữ hậu cần và tập trung số lượng lớn nhân viên quân sự có vũ trang. Điều đó chắc chắn không phải vì hòa bình”, tuyên bố viết. Cùng ngày, đại biện lâm thời Trung Quốc tại New Delhi Lưu Kính Tùng lớn tiếng yêu cầu Ấn Độ rút quân ngay lập tức hoặc phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng”.
Theo South China Morning Post, những ngày qua truyền thông Trung Quốc cũng đẩy mạnh chiến dịch rầm rộ chống Ấn Độ về căng căng thẳng tại khu vực cao nguyên Doklam, vốn do Bhutan quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Động Lãng. Bên cạnh đó, quân đội nước này tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở Tây Tạng, gần khu vực tranh chấp, một động thái được cho là nhằm gửi thông điệp tới các láng giềng.
Trong khi đó, Ấn Độ bác bỏ mọi cáo buộc, bao gồm việc tăng cường binh lực gần biên giới. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Sushma Swaraj nhấn mạnh kiềm chế là rất quan trọng để giải quyết căng thẳng và mọi hành động khiêu khích sẽ khiến tình hình thêm phức tạp. “Ấn Độ luôn tin rằng hòa bình ở biên giới là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển quan hệ song phương một cách suôn sẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao để tìm một giải pháp chung có thể chấp nhận được”, ông nói, đồng thời hối thúc Bắc Kinh đối thoại dựa trên thỏa thuận về ngã ba biên giới được ký kết vào năm 2012. Thời gian qua, Ấn Độ và Bhutan cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận này với hành động cho binh lính xây một con đường gần Doklam.
Quân đội Ấn Độ vài năm qua đã nỗ lực xây dựng lực lượng dọc biên giới Trung Quốc nhưng gặp khó khăn trong việc bắt kịp năng lực của nước láng giềng.
Liên quan đến vấn đề quân đội, giới chức New Delhi cho biết hiện mỗi bên có khoảng 300 binh sĩ đang đối mặt nhau trên cao nguyên Doklam với khoảng cách chỉ 150 m. Theo các chuyên gia, vẫn chưa thể loại trừ nguy cơ xung đột nhưng chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 9 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS có thể là cơ hội để hai bên tháo gỡ bất đồng và tìm được giải pháp hạ nhiệt.
Bình luận (0)