Gạo, hải sản sẽ bứt phá
Có lợi thế đặc biệt về sản xuất, vị trí địa lý gần Trung Quốc, dự báo xuất khẩu gạo, hải sản sẽ “bùng nổ đơn hàng” khi nước này chính thức mở cửa biên giới từ 8.1.2023. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), kỳ vọng khi hoạt động giao thương trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc khôi phục trở lại, xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam sang nước này sẽ được “tác động mạnh mẽ”.
Cụ thể, sản phẩm gạo nếp xuất khẩu bị sụt giảm liên tiếp trong 2 năm chắc chắn sẽ được khôi phục trở lại khi nhu cầu chế biến các sản phẩm từ gạo nếp của Trung Quốc là rất lớn. Ngoài ra, thị hiếu tiêu dùng gạo của người dân Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đang hưởng lợi từ chính sách hạn chế xuất khẩu và đánh thuế gạo của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng mỗi năm trên 20 triệu tấn.
Dự báo xuất khẩu cá tra tăng mạnh trong năm 2023 khi Trung Quốc mở cửa biên giới |
Đình Tuyển |
Song ông Cường lưu ý, Trung Quốc bây giờ không còn là thị trường dễ tính như trước. Họ có yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã, chủng loại gạo. Đối với lúa, Việt Nam đang sở hữu bộ giống trải đều chất lượng từ thấp, trung cho đến cao cấp, phục vụ các phân khúc thị trường khác nhau. “Chúng tôi luôn khuyến cáo nông dân, doanh nghiệp (DN), xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bây giờ phải trồng và bán những loại họ cần chứ không phải bán loại gạo mình đang có, ào ào như trước đây nữa”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khi Trung Quốc mở cửa biên giới, dự báo đơn hàng xuất khẩu sang thị trường tỉ dân này sẽ “bùng nổ” giống như các thị trường EU, Mỹ khi mở cửa trở lại sau dịch Covid-19 vào các năm 2020, 2021.
Cá tra, tôm, mực… của Việt Nam đều là những sản phẩm thủy sản có lượng xuất khẩu tăng mạnh vào Trung Quốc. Bà Hằng cũng nhấn mạnh, thị trường Trung Quốc đã có nhiều thay đổi tiệm cận với các thị trường trung và cao cấp, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm thủy sản chất lượng cao, tốt cho sức khỏe nhưng có nguồn gốc rõ ràng, thuận lợi trong truy xuất nguồn gốc. Từ năm 2018, Trung Quốc đã đưa ra nhiều quy định mới trong nhập khẩu hàng hóa, trong đó có thủy sản. Đến năm 2021, các quy định được cụ thể trong Lệnh 248, Lệnh 249 là sự thông báo chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu DN ở các thị trường xuất khẩu phải thực hiện.
“Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, đến nay các DN đều tuân thủ các quy định của Trung Quốc. Thủy sản Việt Nam vào được các thị trường khó tính như EU, Mỹ… thì với thị trường Trung Quốc không phải là trở ngại lớn. Nhưng các DN vẫn phải theo sát diễn biến từ thị trường Trung Quốc để kịp thời nắm bắt, thực hiện các quy định điều chỉnh sau khi nước này thay đổi cấp độ chống dịch Covid-19. Chúng tôi kỳ vọng sự bùng nổ xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc tới đây sẽ bù đắp được sụt giảm đơn hàng do suy thoái kinh tế ở thị trường các nước G7”, bà Hằng nói.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cả thị trường hàng không, du lịch, nông sản xuất khẩu |
Ngọc Thắng |
Sẽ nối lại nhiều đường bay tới Trung Quốc
Trao đổi với Thanh Niên, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết dự kiến ngày 28.12 Cục họp bàn với các hãng về công tác chuẩn bị khi Trung Quốc mở cửa trở lại. “Tinh thần sẽ mở nhiều nhất có thể theo các đường bay đã có trước dịch”, ông Thắng cho hay. Trước đó, Trung Quốc là một trong những thị trường quốc tế nhộn nhịp đường bay nhất với Việt Nam. Riêng Vietnam Airlines khai thác nhiều nhất với các đường bay nối Hà Nội, TP.HCM với Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Thành Đô, Ma Cao, Hồng Kông... với tần suất khoảng 30 chuyến/tuần. Trong đó, đường bay Hà Nội - Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh có tần suất lớn nhất, đông khách nhất với 5 chuyến/tuần mỗi đường. Tuy nhiên, các đường bay này đều đã đóng cửa đầu năm 2020 sau khi dịch Covid-19 bùng phát và chính sách phòng chống dịch của hai nước.
Cục Trồng trọt phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, DN trong thu thập thông tin nhu cầu cụ thể về số lượng, chủng loại gạo Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu để khuyến cáo nông dân hoặc đưa vào trong kế hoạch chỉ đạo sản xuất ở các địa phương; trồng tập trung theo những vùng nguyên liệu lớn để DN dễ thu mua, chế biến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT)
Sau 3 năm gián đoạn vì dịch, ngày 9.12, Vietnam Airlines công bố nối lại đường bay thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong giai đoạn đầu, hãng sẽ nối lại 3 đường bay bao gồm TP.HCM - Quảng Châu, Hà Nội và TP.HCM - Thượng Hải. Với việc nối lại đường bay thường lệ tới Trung Quốc, Vietnam Airlines đã khôi phục hầu hết các điểm đến quốc tế, nâng tổng số chuyến khai thác trên toàn mạng quốc tế của hãng lên hơn 600 chuyến/tuần, tương đương 70% tần suất khai thác trước dịch. Trước đó, ngày 6.12, Bamboo Airways cũng mở đường bay thẳng đầu tiên từ Hà Nội tới Thiên Tân, cũng như dự kiến khôi phục thêm một số đường bay khác tới Trung Quốc trong thời gian tới.
Động thái này của các hãng hàng không khi Trung Quốc nới lỏng dần chính sách phòng chống dịch trước khi đi đến mở cửa toàn bộ, nhằm đón đầu làn sóng từ một trong những thị trường khách du lịch và đầu tư, thương mại lớn nhất. Tuy nhiên, theo ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, việc mở rộng các đường bay quốc tế đi/đến Trung Quốc vẫn cần chờ đợi thêm.
Năm 2022, thị trường du lịch quốc tế Việt Nam đã phục hồi chậm hơn dự kiến khi chỉ đón được 2,9 triệu khách so với kế hoạch dự kiến 5,5 triệu lượt khách. Một trong những nguyên nhân chính là các thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... vốn chiếm tới 80% khách quốc tế trước dịch vẫn chưa phục hồi. Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, các hãng đều kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh sự phục hồi của cả thị trường hàng không cũng như du lịch quốc tế thời gian tới.
Bình luận (0)