Trung Quốc muốn gì khi mua S-400 và Su-35?

13/07/2013 10:50 GMT+7

(TNO) Với khả năng sở hữu hệ thống phòng không S-400 và chiến đấu cơ tối tân Su-35 sớm hơn dự đoán, Trung Quốc có thể mở rộng giới hạn phòng không hiện tại của mình cũng như hạn chế tầm hoạt động của quân đội Mỹ ở khu vực gần đại lục, theo Defense News.

Thông qua việc mua sắm thiết bị mới của Nga, Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng phạm vi phòng không của mình nhằm vượt qua giới hạn 250 km hiện tại, đảm bảo chiến lược mà các chuyên gia Mỹ gọi là chống tiếp cận/khu vực cấm (A2/AD) của mình.

Mở rộng vùng chống tiếp cận

Trung Quốc có kế hoạch mua hai hệ thống vũ khí mới của Nga nhằm mở rộng phạm vi tấn công phòng không lên đến 400 km. Năng lực mới này sẽ cho phép Trung Quốc khống chế hoàn toàn đảo Đài Loan cũng như uy hiếp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật kiểm soát.

Đầu tiên là hợp đồng mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 với phạm vi tác chiến lên đến 400 km. Thỏa thuận này có thể sẽ được thực hiện sau năm 2017, khi hãng Almaz-Antey, nhà sản xuất S-400, hoàn thành các đơn đặt hàng quân sự của Nga.

Thứ hai là hợp đồng mua chiến đấu cơ đa năng Su-35, mà theo tiết lộ của ông Vasiliy Kashin, chuyên gia tại Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ có trụ sở tại Moscow, thì các chiến đấu cơ này sẽ được trang bị radar Irbis-E tối tân thay cho loại radar Zhuk cũ.

Trung Quốc muốn gì khi mua S-400 và Su-35?
 Chiến đấu cơ Su-35 của Nga - Ảnh: Reuters

Được thiết kế và phát triển bởi Viện nghiên cứu khoa học công nghệ Tikhomirov - NIIP (Nga), Irbis-E là loại radar X-Band quét mảng pha điện tử thụ động đa chế độ với phạm vi hoạt động lên đến 400 km.

Theo website của Tikhomirov NIIP thì Irbis-E có thể phát hiện và theo dõi tới 30 mục tiêu trên không và có khả năng tấn công đến 8 mục tiêu cùng lúc. Ngoài ra, ở chế độ không đối đất, nó có thể theo dõi đến 4 mục tiêu mặt đất, và có khả năng vừa theo dõi một mục tiêu mặt đất vừa duy trì giám sát không phận.

Theo nhận định của Alexander Huang, chuyên gia quân sự thuộc Đại học Đạm Giang (Đài Loan) thì tổ hợp phòng không S-400 và chiến đấu cơ Su-35 trang bị radar Irbis-E có thể là “một trở ngại lớn về mặt tâm lý cho các chính trị gia ở Washington khi tính toán kế hoạch dự phòng cho Đài Loan”.

Còn chuyên gia Vasiliy Kashin thì cho rằng diễn biến chiến thuật mới này là  “một tin xấu đối với Đài Loan”, vì Su-35 với hệ thống radar mới có thể phát hiện chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan ở phạm vi 400 km.

Điều đó đồng nghĩa với việc Su-35 của Trung Quốc trong khi tuần tra ở khu vực duyên hải có thể nhìn thấy các mục tiêu trên khắp Đài Loan, chuyên gia Kashin cho biết thêm. 

Còn theo chuyên gia Alexander Huang thì thương vụ nói trên sẽ "kích thích quyết tâm tăng tốc sản xuất, mua sắm và triển khai chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và các đồng minh châu Á của mình".

Khống chế không phận Đài Loan

Những thông tin mới nhất về thỏa thuận mua bán Su-35 đã được tiết lộ vào ngày 10.6, khi Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ của Nga, Sergey Chemezov, cho biết hợp đồng thương mại cuối cùng về việc bán chiến đấu cơ có thể được dự kiến ​​vào cuối năm nay.

Ngoài ra chuyên gia Kashin còn cho biết thêm hợp đồng có thể sẽ được ký kết tại cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Liên chính phủ Trung - Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự, dự kiến ​​sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay tại Moscow.

Theo đó, gói hợp đồng đầu tiên dự kiến sẽ là 24 chiếc Su-35, và 24 chiếc tiếp theo nếu không có gì trở ngại. Mặc dù số lượng 24 đến 48 chiến đấu cơ không phải là mối đe dọa lớn cho lực lượng Mỹ, nhưng lại là vấn đề đối với Đài Loan vì hòn đảo  này đang cho nghỉ hưu 56 chiến đấu cơ Mirage 2000 và 50 chiếc F-5.

Đài Loan hiện đang nâng cấp 126 chiến đấu cơ phòng thủ nội địa và 145 chiến đấu cơ F-16A/B, và rất nỗ lực vận động để mua 66 chiếc F-16C/D để bù đắp vào việc cắt giảm. Nhưng nỗ lực này hiện đang bị cản trở bởi những cuộc vận động hành lang của Trung Quốc trong chính phủ Mỹ, theo Defense News.  

Trung Quốc muốn gì khi mua S-400 và Su-35?
 Hệ thống tên lửa S-400 - Ảnh: AFP

Trong khi cắt giảm lực lượng chiến đấu cơ của mình, lực lượng phòng vệ Đài Loan đã bắt đầu đưa vào biên chế tên lửa hành trình Hùng Phong 2E, là loại tên lửa tấn công mặt đất do Đài Loan tự nghiên cứu và chế tạo, cũng như đang nỗ lực theo đuổi một loạt các tên lửa hành trình đối hạm mới.

Tuy nhiên, theo nhận định của Douglas Barrie, chuyên gia cao cấp về hàng không quân sự tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở tại London thì chiến đấu cơ Su-35 với năng lực tiềm năng trong việc phát hiện mục tiêu bay tầm thấp cỡ nhỏ sẽ làm tiêu tan sự kỳ vọng của Đài Bắc vào loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất của mình.

Hệ thống radar Irbis-E với phạm vi hoạt động 400 km sẽ là sự bù đắp đáng kể vào khoảng thiếu hụt số lượng máy bay cảnh báo và kiểm soát trên không của không quân Trung Quốc. Đặc biệt sức mạnh không quân Trung Quốc sẽ trở nên đáng gờm hơn khi loại tên lửa không đối không tầm xa được cung cấp cùng với Su-35. 

Tuy nhiên, theo nhận định của Lance Gatling, thành viên Công ty tư vấn quốc phòng tại Tokyo thì bên cạnh năng lực rất ấn tượng của mình, S-400 và Su-35 trang bị radar Irbis-E vẫn có những thách thức về mặt kỹ thuật để có thể hợp nhất với lực lượng máy bay cảnh báo và kiểm soát trên không của Trung Quốc. Vì hệ thống radar phòng không trên mặt đất bị giới hạn về đường chân trời, do đó không thể phát hiện máy bay tầm thấp trên không phận Đài Bắc.

Đài Loan có thể sử dụng khả năng gây nhiễu của hệ thống radar cảnh báo sớm mới của mình tại núi Lạc Sơn gần Tân Trúc, để phá các hệ thống radar khác nhau của Trung Quốc, theo một nguồn tin quốc phòng Đài Loan cho biết.

Cơ sở Lạc Sơn được coi là một trong những hệ thống radar mạnh mẽ nhất trên thế giới, và theo các nguồn tin chưa được kiểm chứng thì có thể nó là trạm chuyển tiếp dữ liệu cho quân đội Mỹ, cho phép theo dõi các hoạt động của máy bay và tên lửa tại Trung Quốc.

Ngoài ra, trang Defense News còn dẫn lời chuyên gia Gatling đặt vấn đề về khả năng làm thế nào để hợp nhất hệ thống S-400 và radar Irbis-E trên Su-35 vào hệ thống phòng không, quản lý dữ liệu và kết nối thông tin của Trung Quốc. Điều này rất khó xác định vì năng lực quân sự của Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số đối với bên ngoài.

Nguyên Giang

>> Nga đồng ý bán hệ thống tên lửa S-400 cho Trung Quốc
>> Nga triển khai S-400 ở khu vực giáp Trung Quốc và Triều Tiên
>> Nga thử hệ thống tên lửa phòng không S-400
>> Nga sẽ bán tên lửa S-400 cho Trung Quốc
>> Trung Quốc sẽ mua thêm Su-35 của Nga
>> Nga sẽ giới thiệu chiến đấu cơ Su-35 tại Paris
>> Nga có thể bán Su-35 cho Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.