Trung Quốc nêu lý do việc kiểm soát chặt chẽ ngành công nghệ

21/09/2021 08:15 GMT+7

Quan chức chính quyền Bắc Kinh nói việc quản lý chặt chẽ các công ty công nghệ là để giảm bớt lo lắng xã hội.

Theo Bloomberg, trong cuộc họp mới đây với các giám đốc điều hành Phố Wall, quan chức quản lý hàng đầu của Trung Quốc đã kiên quyết bảo vệ chính sách kiểm soát thị trường đối với nhiều ngành khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ. Đồng thời, trấn an rằng việc đưa ra quy tắc chặt chẽ hơn không nhằm mục đích bóp nghẹt các công ty công nghệ hoặc khu vực tư nhân.
Phó chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Fang Xinghai cho biết hành động gần đây của chính quyền là để tăng cường quy định cho các công ty có nền tảng hướng tới người tiêu dùng, cải thiện quyền riêng tư dữ liệu và an ninh quốc gia. Ông Fang nhấn mạnh, những động thái nhằm vào ngành giáo dục và trò chơi là vì muốn giảm bớt lo lắng xã hội.
Hội nghị Bàn tròn Tài chính Mỹ - Trung kéo dài ba tiếng hôm 16.9 có sự tham gia của người đứng đầu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và giám đốc điều hành từ Goldman Sachs Group, Citadel cùng với các nhà đầu tư hùng mạnh khác ở Phố Wall. Cuộc họp này đánh dấu việc nối lại hội nghị bàn tròn lần đầu tiên kể từ khi được triệu tập vào tháng 9.2018.
Trong cuộc họp, ông Fang cũng nói với những người tham gia rằng việc tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc không nên được hiểu là sự tách rời khỏi thị trường tài chính Mỹ hoặc quốc tế. Phó chủ tịch CSRC khẳng định chính quyền Bắc Kinh vẫn giữ cam kết với ngành công nghệ.
Thời gian qua, các nhà đầu tư toàn cầu đã không khỏi lo lắng trước cuộc tấn công về mặt pháp lý từ phía Bắc Kinh đối với các hãng công nghệ lớn nhất nước và các ngành công nghiệp khác nhau, cũng như thái độ thúc đẩy của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm tạo ra “sự thịnh vượng chung”. Hàng tỉ USD lợi nhuận tiềm năng đang bị đe dọa đối với Phố Wall, khi giới đầu tư của khu vực này đang ngày càng mở rộng hoạt động ở đại lục vì chích sách mở cửa thị trường tài chính cho các ngân hàng đầu tư, các nhà quản lý tài sản và tiền tệ.
Chiến dịch quản lý của Bắc Kinh đã thổi bay 1.500 tỉ USD giá trị chứng khoán Trung Quốc trong bối cảnh diễn ra đợt bán tháo rộng rãi ở mức cực đoan nhất. Tập đoàn công nghệ được niêm yết tại Hồng Kông Tencent Holdings tuần trước đã mất vị trí trong số 10 công ty lớn nhất thế giới tính theo giá trị thị trường, điều này khiến cổ phiếu Trung Quốc lần đầu tiên không có tên trong danh sách kể từ năm 2017. Cổ phiếu của Alibaba Group Holding cũng giảm hơn 30% trong năm nay.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hồi tháng 7.2021 cho biết, quy tắc về niêm yết ở nước ngoài sẽ được sửa đổi và sẽ có nhiều giám sát quy định hơn đối với các công ty kinh doanh ở thị trường nước ngoài. Giới hoạch định chính sách Trung Quốc cũng đang xem xét việc giám sát chặt chẽ hơn đối với loại hình cấu trúc công ty thường được các hãng công nghệ đại lục sử dụng để tìm kiếm cơ hội niêm yết ở nước ngoài.
Tất cả những điều trên đã làm tăng thêm lo lắng của các nhà đầu tư về sự chia cắt tài chính sâu sắc hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tại cuộc họp, Tổng giám đốc điều hành Blackrock Larry Fink lưu ý, việc đảm bảo tính nhất quán trong chính sách dài hạn của chính phủ Trung Quốc, bao gồm sự minh bạch để xây dựng lòng tin và sự tự tin, là rất cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.