Trung Quốc ngậm ‘trái đắng’ khi ngành than đá lụi tàn

14/12/2015 17:36 GMT+7

Hàng trăm thợ mỏ người bám đầy bụi xuất hiện sau một ngày đào than đá, loại nguyên liệu từng góp phần vào sự bùng nổ kinh tế Trung Quốc và đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại nước này.

Hàng trăm thợ mỏ người bám đầy bụi xuất hiện sau một ngày đào than đá, loại nguyên liệu từng góp phần vào sự bùng nổ kinh tế Trung Quốc và đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại nước này.

Vẻ mặt thẫn thờ của một thợ mỏ khai thác than đá tại thành phố Đại Đồng - Ảnh: AFP
AFP bình luận ngành công nghiệp khai thác than đá của Trung Quốc hiện đang lụn bại vì tình trạng thừa mứa than, trong khi các công ty trong ngành thì lại quá lớn để giải tán.
Tọa lạc tại các thành phố trọng tâm của ngành công nghiệp than đá, tập đoàn Tongmei là điển hình của những doanh nghiệp nhà nước làm ăn bết bát.
Tập đoàn này là “nồi cơm” của thành phố Đại Đồng thuộc tỉnh Sơn Tây, tây bắc Trung Quốc, nơi có dân số 3 triệu người. Hiện có khoảng 200.000 người dân thành phố làm việc cho Tongmei, với gần 1 triệu người thân sống phụ thuộc vào việc làm của những người này. Và tập đoàn giờ đang gặp khó khăn.
AFP cho biết trong nhiều thập niên qua, than đá là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn Tây, cung cấp công ăn việc làm cho hàng triệu thợ mỏ, còn ông chủ các công ty than đá trở nên nổi tiếng nhờ sự phất lên nhanh chóng.
Sức tiêu thụ than đá của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 10 năm (tính đến năm 2014) khi kinh tế tăng trưởng vũ bão, đạt mức hơn 4 triệu tấn than/năm.
Điều này khiến vấn nạn khói mù độc hại thêm trầm trọng. Vào tuần trước, Bắc Kinh đã lần đầu tiên công bố mức “báo động đỏ” về ô nhiễm không khí. Trung Quốc cũng là quốc gia có lượng khí thải nhà kính CO2 lớn nhất thế giới.
Hiện có một số nhà quan sát cho rằng sức tiêu thụ than đá của Trung Quốc có thể đã đụng trần, phát sinh từ việc kinh tế nước này tăng ở mức thấp nhất trong 25 năm qua và Bắc Kinh đã bắt đầu phải giảm số lượng khí thải.
Tình hình nói trên khiến giá than rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua và khiến Tongmei lao đao.
Tuy nhiên, giám đốc Lưu Thông Dĩnh của Tongmei cho biết mặc dù thị trường bị suy yếu, ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục đẩy mạnh sản lượng. Các mỏ than của Tongmei hoạt động 24/24, với sản lượng tối đa đạt 6.000 tấn/giờ.
“Nếu không gia tăng sản xuất, chúng tôi không thể tiếp tục các hoạt động kinh doanh như hiện tại… bao gồm việc trả lương cho nhân công”, ông Lưu cho hay.
Nhiều thành phố Trung Quốc chìm trong khói mù ô nhiễm, được cho là một phần do ngành công nghiệp khai thác than đá - Ảnh: Reuters
Cố hoạt động để đảm bảo ổn định xã hội
Dân số tỉnh nghèo Sơn Tây vào khoảng 40 triệu người, đông hơn cả dân số toàn Canada, và số liệu thống kê chính thức cho thấy GDP của tỉnh chỉ tăng vỏn vẹn 2,8% trong năm nay.
Nhiều tập đoàn nhà nước lớn của Trung Quốc hiện đang phải vật vã đối phó với tình trạng thừa mứa than đá. Báo cáo hồi tháng 9 cho biết một tập đoàn than đá ở tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, dự kiến sẽ phải sa thải đến 100.000 lao động, một động thái mà giới quan sát cho rằng chỉ mới là khởi đầu cho giai đoạn đau đớn sắp tới.
Ông Lưu cho biết Tongmei không có dự định tinh giảm biên chế vì “chúng tôi cần phải duy trì ổn định xã hội”.
Nhưng ông Trương Chi Tấn, chuyên gia nghiên cứu ngành than đá Trung Quốc, nhận định tập đoàn Tongmei “có lẽ đang dần cạn tiền”. Ông Trương cùng các nhà phân tích khác cho rằng lượng tiêu thụ than đá của Trung Quốc đã tăng đến đỉnh và có thể sẽ sụt giảm trong vài năm tới nữa thôi.
Điều này có lợi cho nỗ lực giảm thiểu khói mù ô nhiễm và cắt giảm lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc, nhưng lại là thảm họa đối với các thành phố phụ thuộc nặng nề vào than đá như Đại Đồng.
“Sẽ có nhiều công ty trong ngành phá sản trong vài năm tới”, chuyên gia Trương cảnh báo.
Thủ tướng Trung Quốc hồi đầu tháng 12 đã lên tiếng kêu gọi nên có “một đợt cắt giảm để đối phó với tình trạng sản xuất dư thừa của các ngành công nghiệp truyền thống”, một phát biểu mà truyền thông nước này cho rằng nhằm nói đến ngành than đá và thép.
Tuy nhiên, hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc sẵn lòng ngừng rót ngân sách và dám chịu rủi ro từ việc sa thải lao động quy mô lớn trong ngành than đá, vì điều này có thể làm bùng phát bất ổn xã hội.
Thợ mỏ nói gì?
Ngồi trong căn hộ được trang bị máy sưởi và một hồ cá vàng do công ty cấp, anh Từ, một thợ mỏ của tập đoàn Tongmei, cho biết: “Gia đình tôi giờ khá hơn nhiều so với trước đây”.
Lương của Từ đã tăng gần gấp 10 lần trong những năm tháng hoàng kim của ngành than đá, tức những năm 1990. Lương của anh khi đó vào khoảng 6.000 nhân dân tệ/tháng, tương đương 930 USD. Nhưng năm nay, lương của anh đã bị cắt giảm 15%.
Chính quyền Sơn Tây hiện đang cố đa dạng hóa các ngành nghề trong tỉnh, chẳng hạn như thuyết phục các công ty sản xuất rời khỏi khu vực ven biển và tìm cách thúc đẩy du lịch. Tongmei đang chuyển hướng sang mảng điện tử và hóa chất.
Thợ mỏ Từ phản đối ý tưởng biến các ngành dịch vụ như du lịch thành chủ lực của chính quyền tỉnh.
“Rồi chúng tôi sẽ phục vụ cho ai đây? Nếu hàng chục ngàn lao động chúng tôi bắt đầu chuyển qua sản xuất hàng hóa, ai sẽ mua sản phẩm của chúng tôi? Ở đây, chúng tôi chẳng có gì khác ngoài than đá”, anh thợ mỏ 38 tuổi cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.