Tính đến ngày 16.2 đã có 1.665 người tử vong vì dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc đại lục kể từ khi virus Corona chủng mới bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hồi tháng 12.2019, theo AFP. Hơn 68.500 người đã bị nhiễm bệnh và hầu hết những trường hợp tử vong xảy ra ở tỉnh Hồ Bắc.
Báo cáo của NHC cho biết khắp Trung Quốc đại lục ghi nhận 2.009 ca nhiễm mới và 142 trường hợp tử vong vào ngày 16.2, giảm so với ngày 15.2 là 2.641 ca nhiễm mới và 143 người tử vong.
Hiện khoảng 56 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc, nơi có tâm dịch Vũ Hán, đã bị cách ly kể từ ngày 23.1, với các trường học, văn phòng và nhà máy đóng cửa. Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc tăng cường biện pháp cách ly và kiểm tra lịch sử đi lại của người dân sau khi kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài kết thúc, theo NHC.
Tại buổi họp báo, ông Mễ Phong, phát ngôn viên NHC, cho biết chiến dịch chống lại virus Corona chủng mới bắt đầu gặt hái kết quả, theo Reuters. "Tác dụng của công tác kiểm soát dịch bệnh bắt đầu thể hiện", ông Mễ nói.
Theo ông Mễ, virus Corona chủng mới được cho là có thời gian ủ bệnh 14 ngày và nhờ chính phủ tăng cường biện pháp phòng ngừa ở Hồ Bắc nên số ca nhiễm bệnh trong tình trạng nguy kịch đang giảm.
“Các trường hợp nhẹ cũng được điều trị nhanh hơn, ngăn ngừa biến chứng thành nguy kịch dẫn đến tử vong”, ông Mễ cho biết.
Bên ngoài Trung Quốc đại lục, có hơn 500 ca nhiễm tại gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 4 trường hợp tử vong được ghi nhận tại Nhật Bản, Hồng Kông, Philippines và Pháp.
Trong đó, Nhật Bản đứng đầu danh sách với 338 trường hợp nhiễm. Số ca nhiễm theo nhóm cao nhất ngoài Trung Quốc đại lục là trên tàu du lịch Diamond Princess đang bị cách lý ở cảng Yokohama, Nhật Bản.
Bộ Y tế Nhật xác nhận có thêm 70 ca nhiễm trên tàu Diamond Princess vào ngày 16.2, nâng tổng số ca nhiễm lên 355 người. Vào thời điểm bị cách ly, tàu Diamond Princess chở khoảng 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn.
Trường hợp tử vong đầu tiên ở châu Âu là một người đàn ông Trung Quốc 80 tuổi đã chết tại bệnh viện ở thủ đô Paris, Pháp.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tiếp tục ca ngợi công tác dập dịch của Trung quốc, nhưng lại tuyên bố không thể biết được dịch bệnh COVID-19 sẽ lan rộng đến đâu.
"Chúng tôi lo ngại trước diễn biến số ca nhiễm gia tăng liên tục ở Trung Quốc", ông Tedros phát biểu trước Hội nghị An ninh Munich ở Đức ngày 15.2.
|
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, người dân Trung Quốc cần khẩn trương trở lại làm việc. Tuy nhiên, đường phố tại nhiều thành phố lớn vắng tanh, người lao động lo lắng, lệnh cấm du lịch và biện pháp cách ly nghiêm ngặt được thực hiện trên khắp Trung Quốc.
Nhiều nhà máy vẫn chưa mở cửa lại, gây gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và nhiều nơi khác từ các hãng sản xuất smartphone đến nhà sản xuất xe hơi.
Bình luận (0)