Ông Uông đưa ra bình luận trên vài giờ sau khi 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng tập trận chung ở Biển Đông vào ngày 9.2, vài ngày sau khi chiến hạm Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, theo Reuters.
Tại cuộc họp báo, ông Uông còn tuyên bố: “Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia và làm việc cùng với các nước ở khu vực để đảm bảo vững chắc hòa bình và ổn định ở Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông).
Thực tế, ngoài việc gia tăng tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc vừa mới có động thái gây báo động ở số nước ven bờ Biển Đông khi ban hành Luật Hải Cảnh ngày 22.1. Luật này, có hiệu lực từ ngày 1.2, cho phép Lực lượng hải cảnh nổ súng chống tàu nước ngoài ở trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Hôm 27.1, Ngoại trưởng Philippines Teddy Locsin thông báo trên Twitter rằng ông đã gửi công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng nhắm vào các tàu nước ngoài, gọi đó là “mối đe dọa chiến tranh”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh ANC về Luật Hải cảnh hôm 1.2, nhà phân tích kỳ cựu Greg Poling, giám đốc Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cảnh báo: “Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc lâu nay hành xử bạo lực, hung hăng, phi pháp, dù không có luật này. Luật này không chỉ không thay đổi tình trạng đó mà còn trở thành công cụ mới trong bộ công cụ”.
“Và luật mới sẽ tạo thêm cớ mà Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc sẽ dùng trong thời gian tới để đâm chìm tàu nước ngoài hoặc ít nhất gây ra nguy cơ đụng độ với mưu đồ ngăn chặn các hoạt động dầu khí”, ông Poling cảnh báo thêm.
Bình luận (0)