Trong buổi họp báo, ông Mã Hiểu Vĩ, chủ nhiệm NHC, cho biết kiến thức của ngành y tế Trung Quốc về vi rút corona mới (2019-nCoV) “còn hạn chế” và chưa rõ về nguy cơ đột biến của nó, theo Reuters.
Tính đến ngày 26.1, có hơn 2.000 người nhiễm bệnh khắp thế giới và 56 người tử vong ở Trung Quốc vì dịch bệnh viêm phổi lạ Vũ Hán.
Ông Mã cho biết thời gian ủ bệnh có thể từ 1 đến 14 ngày và 2019-nCoV lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh, không giống như trường hợp mắc Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Dịch bệnh SARS, cũng xuất phát từ dòng vi rút corona ở Trung Quốc giết chết gần 800 người trên toàn cầu năm 2002-2003.
Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch viêm phổi lây lan, bao gồm hạn chế đi lại, phong tỏa các thành phố như Vũ Hán và hủy bỏ những sự kiện lớn, ông Mã nói thêm.
Vi rút corona mới, được cho là có nguồn gốc chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán vốn là trung tâm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Dịch viêm phổi lạ chết người đã lan sang các thành phố của Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải, cũng như Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản , Úc, Pháp và Canada.
Khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lan rộng gần 1 tháng, mãi đến ngày 26.1, chính phủ Trung Quốc mới tuyên bố cấm mua bán động vật hoang dã ở chợ, siêu thị, nhà hàng, kênh thương mại điện tử trên phạm vi toàn quốc, có hiệu lực ngay lập tức cho đến khi hết dịch bệnh.
Chính phủ Trung Quốc cũng đình chỉ tất cả tour du lịch khách đoàn ra nước ngoài kể từ ngày 27.1. Còn những tour du lịch khách đoàn trong nước đã bị đình chỉ kể từ ngày 31.1.
Đông vật hoang dã thường bị săn trộm và bày bán tại các chợ ở Trung Quốc. Đây được cho là nơi ươm mầm cho vi rút sinh sôi nảy nở, lây nhiễm sang con người. Rắn, dơi, chim công, cá sấu và nhiều loài khác được rao bán trên Taobao, website thương mại điện tử của Alibaba.
Cơ quan y tế ở thủ đô Bắc Kinh ngày 26.1 gửi tin nhắn điện thoại đến người dân, khuyến cáo mọi người dừng bắt tay và chỉ chào hỏi bằng cử chỉ tay theo truyền thống.
Đo thân nhiệt ở sân bay vẫn để lọt người nhiễm vi rút
Các sân bay trên khắp thế giới tăng cường đo thân nhiệt và sàng lọc hành khách từ Trung Quốc, nhưng một số quan chức và chuyên gia y tế cho rằng biện pháp này vẫn không hiệu quả.
Cụ thể, các bác sĩ tại một bệnh viện ở Paris cho biết 2 trong số 3 công dân Trung Quốc ở Pháp được chẩn đoán nhiễm vi rút corona đã đặt chân vào nước này mà không thể hiện bất kỳ triệu chứng cụ thể nào.
Trong báo cáo mới công bố, nhóm chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London (Anh) cảnh báo dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán "rõ ràng là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu và có khả năng Trung Quốc mất kiểm soát dịch bệnh", nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần này vẫn chưa tuyên bố đây là tình huống khẩn cấp y tế toàn cầu
Chính quyền trung ương Trung Quốc kêu gọi minh bạch trong xử lý khủng hoảng sau khi các quan chức ở Vũ Hán đã bị lên án che đậy thông tin, trì trệ trong công tác xử lý dịch bệnh.
"Người dân thành phố Vũ Hán nghi ngờ số ca nhiễm bệnh thật sự cao gấp nhiều lần so với báo cáo chính thức", một người họ Lý sống ở Vũ Hán nói với Reuters.
Bình luận (0)