Ngoài các cơ quan phát ngôn chính thức như Tân Hoa xã, Nhân Dân nhật báo hay Hoàn Cầu thời báo, Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền đến khắp các quốc gia trên thế giới.
Chiến dịch toàn cầu Kênh đầu tiên là các đại sứ ở nước ngoài. Liên tiếp trong tháng 5 và tháng 6.2016, các đại sứ Trung Quốc ở Anh (4.5, 9.5), Sri Lanka (6.5), Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) (12.5), Kenya (15.5), Samoa (18.5), Macedonia (21.5), Liên minh Châu Âu (EU) (24.5), Sierra Leone (24.5), Ghana (25.5), Mỹ (1.6), Nam Phi, Iceland, Lesotho (3.6), Sudan (8.6), Malaysia (13.6), Pháp (14.6)... đã tuần tự đăng tải nhiều bài viết trên những phương tiện truyền thông lớn của các nước (cả báo in và báo mạng).
Mục đích các bài viết nhằm phổ biến những luận điểm của chính phủ Trung Quốc về Biển Đông. Trong đó, nội dung của hầu hết các bài viết đều nhằm củng cố cho mặt trận pháp lý của Trung Quốc, bác bỏ thẩm quyền cũng như phán quyết vào ngày 7.7 sắp tới của Tòa án trọng tài thường trực (PCA) và lên án việc chính phủ Philippines khởi kiện Trung Quốc.
Chỉ trong vòng 2 tháng, các đại sứ quán của Trung Quốc đã đăng tải rộng rãi lập luận đơn phương về Biển Đông của họ không chỉ trên một loạt các hãng truyền thông lớn của khu vực và quốc tế (như Jakarta Post, The Economist, Financial Times, The Times, Bloomberg, The Star, Al-Jazeera), mà còn rải đều ở các nhật báo (bản in) hàng đầu ở nhiều quốc gia (như The Standard ở Kenya, Awoko và Concord Times ở Sierra Leone, Daily Graphic ở Ghana, The Public Eye ở Lesotho, San Francisco Chronicle ở Mỹ, Les Echos ở Pháp).
tin liên quan
Trung Quốc 'khai khống' các nước ủng hộ trong vụ kiện Biển ĐôngTrung Quốc bị phát hiện cố tình “khai khống” khi tuyên bố có đến 60 nước ủng hộ quan điểm nước này về vụ kiện Biển Đông.
Vào ngày 25.5.2016, Tân Hoa xã đăng một báo cáo khẳng định chiến dịch truyền thông của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông đã được phát động toàn cầu. Báo cáo trên cũng nhắc đến các bài báo tuyên truyền về Biển Đông của đại sứ Trung Quốc tại Romania đăng trên tờ Pravda bằng tiếng địa phương. Đại sứ Trung Quốc tại Macedonia và Iceland cũng có các bài viết đăng trên nhật báo Dnevnik (21.5) và Fréttablaðið (3.6). Sự xuất hiện của các bài báo viết bằng tiếng địa phương là một trong những “biến thể” linh hoạt mới trên mặt trận thông tin của Trung Quốc.
Chi tiền mua bài viết
Các đại sứ quán Trung Quốc còn chi nhiều khoản tiền để mua các trang phụ trương quảng cáo của nhiều hãng truyền thông địa phương ở các nước, nhằm chèn các nội dung tuyên truyền của họ vào. Ngày 23.5, tờ Globe and Mail ở Canada đã cho đăng trang quảng cáo chỉ trích vụ kiện của Philippines. Các nguồn tin ước lượng rằng chính phủ Trung Quốc phải bỏ ra hơn 10.000 đô la Canada (khoảng 7.700 USD) chi phí cho trang quảng cáo này.
Ngày 27.5, tờ Le Figaro của Pháp cũng đăng phụ trang (bằng tiếng Pháp) nhằm tuyên truyền lập luận của Trung Quốc, phản bác vụ kiện của Philippines. Phụ trương này do nhật báo China Daily chịu trách nhiệm nội dung. Cùng ngày 27.5, một phụ trương tương tự cũng xuất hiện ở Hãng truyền thông Fairfax Media ở Úc với tiêu đề China Watch và được đăng tải trên các báo in có doanh số lớn nhất của Úc.
Truyền thông Trung Quốc cũng tăng cường thêm các “trích dẫn” từ các học giả quốc tế có quan điểm “phù hợp” với lập luận của họ, thông qua việc đăng tải bài viết hoặc phỏng vấn. Có thể dẫn các bài viết của GS Greg Austin (Đại học New South Wales, Canberra, Úc) vào tháng 6.2015 trên tờ The Diplomat (Nhật Bản) vu cho VN là quốc gia hiếu chiến nhất trong tranh chấp biển Đông. Vào tháng 2.2016, Austin viết tiếp bài bình luận trên tờ The Diplomat nêu những điểm “dối trá” trong các lập luận của Mỹ về vấn đề Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn vào ngày 8.6 của Hoàn Cầu thời báo, ông Austin tiếp tục ủng hộ việc bác bỏ thẩm quyền của PCA. Trước đó, ngày 18.5, Tân Hoa xã cũng phỏng vấn GS luật Tom Zwart (Đại học Utrecht, Hà Lan) với cách đặt vấn đề tương tự là bác bỏ khả năng giải quyết xung đột trên Biển Đông của PCA. GS Tom Zwart cũng được trích dẫn ý kiến trong bài báo của đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh đăng trên tờ The Telegraph (London, Anh) vào đầu tháng 6.2016.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Trung Quốc gần như đã dốc toàn lực các kênh ngoại giao để tuyên truyền bằng tất cả những khả năng có thể, kể cả việc dùng tiền để mua bài viết và dùng số lượng thông tin lặp lại để che lấp những điểm yếu trong lập trường cố hữu của họ về Biển Đông. Không kể những lập luận về tính thẩm quyền của PCA, đã bị chính tòa này bác bỏ trong một văn kiện công bố tháng 10.2015, những quan điểm khác về việc tòa bị chính trị hóa, bị tác động từ bên ngoài và sau phán quyết có khả năng gia tăng xung đột... đều mang tính tuyên truyền một chiều và sặc mùi đe dọa.
Nếu Bắc Kinh thật sự xem tranh luận và đối thoại là con đường giải quyết tranh chấp một cách hòa bình nhất, thì xuất hiện tại tòa để công khai bảo vệ lý lẽ của mình mới là cách chính danh, thay vì chọn cách tự diễn dịch và tuyên truyền các lập luận đơn phương một cách cứng nhắc.
Thủ tướng Campuchia không chấp nhận phán quyết
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm qua 20.6 đã giận dữ bác bỏ các thông tin cho rằng Phnom Penh là một trong những bên góp phần ngăn cản các ngoại trưởng ASEAN đưa ra tuyên bố chung trong phiên họp ở Trung Quốc vào tuần trước. Ông Hun Sen tuyên bố các thông tin này là “không thể chấp nhận”, đồng thời cáo buộc một số nước không nêu tên “lợi dụng Campuchia để chống Trung Quốc”.
Theo AFP, thủ tướng Campuchia cũng lên tiếng chỉ trích phiên tòa xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc. “Nó không phải là vấn đề luật pháp mà hoàn toàn là vấn đề chính trị. Tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ phán quyết nào của tòa này”, ông nói.
|
Bình luận (0)