Chuyện xuất phát từ việc Ngoại trưởng Anh Boris Johnson trong một báo cáo về Hồng Kông, đã nói ông có mối lo ngại cụ thể về “tính toàn vẹn trong việc thực thi pháp luật của Hồng Kông”, cho rằng Trung Quốc can thiệp vào pháp lý ở đặc khu hành chính này.
Ông Johnson nhắc tới chuyện về 5 người bán sách ở Hồng Kông mất tích, sau đó được biết là bị Trung Quốc giam giữ. Câu chuyện này, theo ông Johnson, chứng tỏ Trung Quốc không giữ cam kết “một quốc gia, hai chế độ”, vốn nằm trong thỏa thuận chính thức khi người Anh trả lại Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997.
tin liên quan
Truyền thông Trung Quốc: Anh nên từ bỏ suy nghĩ 'sợ Trung Quốc'“Mặc dù Lee Po (Lee Bo, một trong năm người bán sách kể trên) hiện đã trở lại Hồng Kông, những vấn đề lộ ra từ trường hợp này vẫn còn gây lo ngại”, Reuters ngày 13.10 dẫn lời Ngoại trưởng Anh Johnson.
Từ năm ngoái, câu chuyện về những người bán sách rộ lên sau khi 5 người đàn ông liên quan tới một cửa hàng sách ở Hồng Kông bỗng dưng mất tích. Cửa hàng này chuyên bán những quyển sách về lời đồn, chuyện phiếm quanh các lãnh đạo Trung Quốc, trong đó gồm Chủ tịch Tập Cận Bình. Số đầu sách ấy bị cấm ở Trung Quốc, nhưng vẫn hợp pháp tại Hồng Kông. Phía Trung Quốc khẳng định họ không làm điều gì sai trái.
Ngày 13.10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhắc lại rằng người Hồng Kông vẫn được hưởng đủ quyền hạn và sự tự do dưới pháp luật.
“Hồng Kông là chuyện nội bộ của Trung Quốc. Các quốc gia bên ngoài không có quyền can thiệp vào đây. Chúng tôi yêu cầu Anh thận trọng với lời nói của họ và chấm dứt chuyện can thiệp vào nội bộ Hồng Kông”, ông Cảnh Sảng nói trong buổi họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh.
Chính quyền Hồng Kông cũng bác bỏ báo cáo từ ông Boris Johnson và nói rằng chính phủ nước ngoài không nên can thiệp vào nội bộ của Hồng Kông, theo Reuters.
Bình luận (0)