Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Mỹ-Úc-Anh bị những nước nào phản ứng?

17/09/2021 13:59 GMT+7

Trung Quốc và Pháp đều lên tiếng phản đối kế hoạch liên minh an ninh mới giữa Mỹ, Anh, Úc, nhưng hai nước có đưa ra những lý do khác nhau.

Ngày 16.9, Trung Quốc đã lên án liên minh an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới giữa Mỹ, Anh và Úc, mang tên AUKUS, trong đó Úc sẽ nhận được công nghệ và năng lực tự sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. 
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc 3 nước trên đã "gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực, tăng cường chạy đua vũ trang và gây tổn hại đối với các nỗ lực quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân". 

Tàu ngầm chạy bằng điện-diesel của Úc.

Reuters

Phản ứng dữ dội không chỉ đến từ Trung Quốc. Pháp đã mất hợp đồng tàu ngầm với Úc do thỏa thuận AUKUS. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi các kế hoạch trên là "thô lỗ và không thể lường trước". Đồng thời, ông Le Drian cũng cáo buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đâm sau lưng nước Pháp và hành động không khác gì người tiền nhiệm Donald Trump. 
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã bác bỏ cáo buộc này. 
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Chúng tôi đã giữ tiếp xúc chặt chẽ và đã làm việc với lãnh đạo Pháp trước khi ra tuyên bố về thương vụ... Đúng, họ đã biết trước về thông báo thỏa thuận". 
Giám đốc chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết ông đã không được hỏi ý kiến về thỏa thuận AUKUS. 
"Tôi đoán thỏa thuận này đâu phải được hình thành chỉ trong một ngày. Phải mất một thời gian chứ. Mặc dù vậy, chúng tôi đã không được hỏi ý kiến", ông Josep Borrell cho hay.
Mỹ và các đồng minh đang tìm cách đẩy lùi sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt về củng cố năng lực quân sự
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 15.9 cho biết hiệp ước không chỉ nhằm chống lại Trung Quốc. 
Ông nói rằng: "Sáng nay, chúng tôi có một cuộc thảo luận hiệu quả về toàn bộ các lợi ích an ninh bao gồm chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu và môi trường an ninh ngày càng căng thẳng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng tôi đã bàn bạc chi tiết về các hoạt động gây bất ổn của Trung Quốc và những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ép buộc và đe dọa các nước khác, trái với các quy tắc và chuẩn mực đã được đề ra..." 
Mỹ, Anh và Úc đều nhấn mạnh rằng họ sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân, nhưng Úc sẽ sử dụng hệ thống động cơ đẩy hạt nhân cho các tàu để đối phó các mối đe dọa. 
Giới chức Mỹ cũng không nói rõ khi nào Úc sẽ triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hay số lượng tàu sẽ được chế tạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.