HKU5-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở loài dơi vào năm 2006 và phổ biến ở loài dơi Pipistrellus ở miền đông và miền nam châu Á.
Nghiên cứu trên do bà Thạch Chánh Lệ, nhà vi rút học được mệnh danh là "người dơi" do nghiên cứu sâu rộng của bà về vi rút corona ở dơi, dẫn đầu tại Phòng thí nghiệm Quảng Châu cùng với các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Quảng Châu, Đại học Vũ Hán và Viện Vi rút học Vũ Hán. Nhóm nghiên cứu cho hay HKU5-CoV-2 có khả năng liên kết với enzyme chuyển đổi angiotensin (ACE2) của con người, cùng một thụ thể được SAR-CoV-2 sử dụng để lây nhiễm tế bào. HKU5-CoV-2 xuất phát từ phân chi Merbecovirus, cũng bao gồm vi rút gây ra Hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS).
Nhà nghiên cứu 'người dơi' của Trung Quốc phát hiện virus corona mới có nguy cơ lây truyền như Covid-19
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng khi bị cô lập từ các mẫu dơi, HKU5-CoV-2 có thể lây nhiễm cho các tế bào người cũng như các khối tế bào hoặc mô được nuôi cấy nhân tạo giống như các cơ quan hô hấp hoặc ruột thu nhỏ. "Các loại vi rút Merbecovirus ở dơi có nguy cơ lây nhiễm sang người cao, thông qua lây truyền trực tiếp hoặc thông qua vật chủ trung gian", nhóm nghiên cứu viết trong bài báo được đăng trên tạp chí Cell ngày 18.2.

Nhà vi rút học Trung Quốc Thạch Chánh Lệ tại Viện Vi rút học Vũ Hán vào năm 2017
ẢNH: AFP
Trước đó, Cell đã công bố bài báo của một nhóm từ Đại học Washington (Mỹ) và Đại học Vũ Hán kết luận rằng dù chủng HKU5 có thể liên kết với dơi và các thụ thể ACE2 ở động vật có vú khác, nhưng họ không phát hiện ra sự liên kết "hiệu quả" ở người. Trong khi đó, nhóm của bà Thạch phát hiện HKU5-CoV-2 thích nghi tốt hơn với ACE2 ở người so với dòng 1 của vi rút này và "có thể có phạm vi vật chủ rộng hơn và khả năng lây nhiễm giữa các loài cao hơn". Họ cho rằng cần phải theo dõi chặt chẽ hơn HKU5-CoV-2 nhưng đánh giá năng lực của vi rút này "thấp hơn đáng kể" so với SAR-CoV-2 và "nguy cơ xuất hiện HKU5-CoV-2 ở người không nên bị phóng đại".
Bà Thạch nổi tiếng nhất với công trình nghiên cứu của bà tại Viện Vi rút học Vũ Hán, nơi đang là tâm điểm của cuộc tranh cãi về nguồn gốc của Covid-19, với một giả thuyết cho rằng SAR-CoV-2 xuất phát từ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm tại TP.Vũ Hán (Trung Quốc), theo SCMP. Bà Thạch lẫn giới chức Trung Quốc đã phủ nhận chuyện Viện Vi rút học Vũ Hán phải chịu trách nhiệm cho việc bùng phát Covid-19.
Bình luận (0)