Trung Quốc phát triển keo 2 mặt dán mô tổn thương sau đau tim

28/12/2022 14:58 GMT+7

Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã phát triển một loại “keo” hai mặt bám dính vào các mô tim tổn thương để tăng tốc độ phục hồi sau phẫu thuật và ngăn biến chứng.

Tờ South China Morning Post đưa tin các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển một loại hydrogel mới có thể khắc phục các mô tim bị tổn thương. Đây được đánh giá là một bước đột phá đầy hứa hẹn có thể làm giảm nguy cơ tử vong do ngừng tim.

Trung Quốc phát triển keo 2 mặt dán mô tổn thương sau đau tim - Ảnh 1.

Đau tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới

shutterstock

Ngày 27.12, các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Phương Nam ở Quảng Châu cho biết nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại Janus hydrogel mới – một chất kết dính “hai mặt” trong đó hai bề mặt có các đặc tính vật lý riêng biệt. Công nghệ này có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong bằng cách giảm viêm và tăng tốc độ phục hồi sau phẫu thuật.

“Hydrogel thông minh cho phép khắc phục tình trạng nhồi máu cơ tim hiệu quả, đồng thời ngăn chặn sự kết dính mô và ngăn viêm nhiễm sau phẫu thuật", Giáo sư Qiu Xiaozhong, đồng trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Trong quá trình thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã sử dụng cấu trúc bất đối xứng để đạt được kết quả tốt hơn. Lớp trên cùng có đặc tính chống bám dính tế bào, ngăn chặn sự kết dính mô, trong khi “lớp hydrogel phía dưới bám dính ổn định vào mô tim đồng thời đóng vai trò phục hồi nhồi máu cơ tim”.

Theo nhóm nghiên cứu, công nghệ mới cho thấy tiềm năng lớn đối với các ứng dụng y sinh bao gồm giá đỡ mô, thiết bị điện tử mang được và phẫu thuật vi mô. Vì có thể tránh được tổn thương do viêm và sự kết dính của mô nên các miếng dán không gây ra tổn thương thứ cấp. Nó cũng giúp cơ thể tự chữa lành vết thương, do khả năng tương thích sinh học tốt sẽ thúc đẩy chức năng của các tế bào tim, trong khi tính dẫn điện của hydrogel giúp tái tạo hoạt động trong mô bị tổn thương.

Dù đạt được kết quả tốt khi thử nghiệm trên chuột, GS Qiu vẫn tỏ ra thận trọng: “Công trình này vẫn thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, còn một chặng đường dài trước khi được sử dụng trong lâm sàng".

Nhồi máu cơ tim, thuật ngữ y tế cho các cơn đau tim, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 27% tổng số ca tử vong toàn cầu vào năm 2019 là do đau tim và đột quỵ.

Những bệnh nhân sống sót qua các cơn đau tim có xu hướng phát triển mô sẹo do các cơ tim bị tổn thương sau đó lành lại. Việc điều trị bằng thuốc truyền thống chỉ có thể làm giảm các triệu chứng hoặc giảm rủi ro trong tương lai chứ không thể khắc phục các mô bị tổn thương. Những vết sẹo càng lớn càng làm tăng nguy cơ đột quỵ và tử vong.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.