Trung Quốc phóng tên lửa tư nhân đầu tiên

18/05/2018 08:03 GMT+7

OneSpace Technology, hãng startup có trụ sở ở Bắc Kinh vừa phóng thành công tên lửa tư nhân đầu tiên của nước này hôm 17.5.

Theo CNN, OneSpace cho hay họ phóng thành công tên lửa OS-X dài 9 mét từ một căn cứ ở tây bắc Trung Quốc. Mục tiêu nhiệm vụ của tên lửa là thu thập dữ liệu cho dự án nghiên cứu mà startup này đang thực hiện cùng doanh nghiệp quốc doanh Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc.
OneSpace được thành lập năm 2015, thường được so sánh với hãng tên lửa SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk. Đây là sự so sánh mà nhà sáng lập OneSpace Shu Chang không hề né tránh.
“Tình hình của OneSpace hiện nay rất giống với SpaceX những năm đầu. SpaceX là doanh nghiệp tên lửa tư nhân đầu tiên tại Mỹ. Còn chúng tôi thì là đầu tiên tại Trung Quốc. Đây là tên lửa đầu tiên được phát triển và xây dựng hoàn toàn bằng công nghệ cây nhà lá vườn”, ông Shu nói. Trước khi lập OneSpace, ông làm việc cho một hãng hàng không vũ trụ quốc doanh Trung Quốc và một doanh nghiệp đầu tư.
OneSpace vẫn còn chặng đường dài phải đi để bắt kịp với SpaceX, hãng thường xuyên phóng các tên lửa lớn đưa vệ tinh vào quỹ đạo trái đất, sau đó quay trở lại. Tên lửa OS-X của OneSpace được thiết kế để thử nghiệm và nghiên cứu trong chuyến bay ngắn hơn một vòng quỹ đạo của trái đất.
Đến nay, một số tuyên bố của OneSpace khiến không ít người hoài nghi. Xin Zhang, Giáo sư về kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, cho biết ông nghi ngờ tên lửa này không hoàn toàn là sản phẩm của OneSpace.
Doanh nghiệp Đại lục cho hay hôm 17.5 rằng tên lửa vừa được phóng chỉ mất một năm để phát triển và xây dựng trong khi trước đó, ông Shu cho hay việc này mất đến ba năm. Chuyên gia Zhang cho rằng 1 năm là “tốc độ siêu âm”, và cho biết thêm giới doanh nghiệp có thể mất đến 10 năm để phát triển và xây dựng tên lửa.
OneSpace cũng cho hay họ được tài trợ 78 triệu USD. Con số này là khá nhỏ trong ngành công nghiệp thường xuyên “nuốt” đến hàng tỉ USD. “Tôi nghĩ nếu họ không cắt giảm bớt chỗ này chỗ kia thì thật là khó khăn”, ông Zhang nói.
Về phần mình, nhà sáng lập OneSpace cho biết hãng cũng như SpaceX những ngày đầu tiên khi chịu nhiều hoài nghi. “Khi OneSpace được thành lập vào năm 2015, chúng tôi đã đến thăm rất nhiều chuyên gia và người hiểu biết tường tận về chuyện kinh doanh trong ngành. Tất cả họ đều nói hai chữ không thể”, ông Shu nói.
Doanh nghiệp cho hay họ tiết kiệm tiền một phần bằng cách lập “mục tiêu chi phí thấp ngay từ đầu”, trong đó có việc dùng hệ thống điện được thiết kế đặc biệt, nhẹ hơn gấp 10 lần so với hệ thống được dùng trong các loại tên lửa khác. Ngoài ra, dù OneSpace nhấn mạnh rằng mình là doanh nghiệp tư nhân, công ty cũng có vài liên kết với chính quyền Trung Quốc.
OneSpace cho biết họ hợp tác với các tổ chức quân sự Đại lục để nghiên cứu, phát triển và thực hiện dịch vụ kỹ thuật. Hãng cũng có nhà máy sản xuất ở Trùng Khánh vốn thuộc một phần sở hữu của chính quyền địa phương.
Như nhiều hãng startup khác, OneSpace muốn sử dụng tên lửa của họ để giúp các doanh nghiệp phóng vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo trái đất cho nhiều mục đích sử dụng, trong đó có việc cải thiện khả năng truy cập internet trên máy bay và tàu hỏa. Công ty đang lên kế hoạch tung ra một loạt tên lửa vào cuối năm nay, vốn có thể giúp giảm nửa chi phí cho việc phóng vệ tinh.
OneSpace đối mặt với cạnh tranh từ một số startup khác của Đại lục cũng đang phát triển tên lửa, ví dụ như LandSpace và LinkSpace. Hiện nhu cầu dịch vụ phóng tên lửa đang tăng ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, theo CEO Spacety Yang Feng, hãng startup vi vệ tinh thành lập năm 2016. Chỉ trong vài năm, hơn 20 nhà phát triển vệ tinh cỡ nhỏ được lập ra ở Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.