Trung Quốc phóng tên lửa vào vũ trụ nhiều nhất thế giới năm 2018

21/12/2018 13:53 GMT+7

Đây là năm đầu tiên Trung Quốc phóng nhiều tên lửa lên quỹ đạo Trái đất hơn bất cứ nước nào khác. Tính đến giữa tháng này, quốc gia Đông Á có 35 lần phóng thành công.

Theo MIT Technology Review, trong vài năm tới, Trung Quốc có kế hoạch khởi động kính viễn vọng không gian lớn nhất thế giới, tên lửa nặng nhất thế giới và một trạm không gian để cạnh tranh với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Vào một buổi chiều tháng 10 vừa qua, từ bệ phóng xa xôi và hoang vắng trên sa mạc Gobi, Future bay vào vũ trụ. Future là vệ tinh nhỏ được chế tạo cho chương trình khoa học của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, song không có nhiều khả năng mới hơn vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc, vốn được phóng lên tại cùng vị trí thuộc Trung tâm phóng Jiuquan hồi năm 1970.
Dù vậy, lần phóng tháng 10 vẫn đi vào lịch sử. Đây là lần đầu tiên, tên lửa do tư nhân phát triển ở Trung Quốc bay vào quỹ đạo. Tên lửa này có tên Zhuque-1, gồm 3 phần và có nhiệm vụ đưa Future lên không gian. Phần thứ nhất được phóng suôn sẻ. Phần thứ hai cũng thế. Song vài phút sau, phần thứ ba gặp trục trặc. Vệ tinh Future bị mất.
Thực hiện các chuyến bay vào không gian không dễ. Thất bại của tên lửa mới rất phổ biến. Đơn cử, startup Mỹ SpaceX của tỉ phú Elon Musk có ba lần phóng đầu thất bại. Lần phóng thứ tư thì thành công, và thành công vừa kịp lúc doanh nghiệp sắp hết tiền.
Tuy nhiên, SpaceX đến nay vẫn thay đổi bộ mặt ngành hàng không vũ trụ Mỹ. Sau nhiều thập niên được thống trị bởi các hãng truyền thống, cũ kỹ, SpaceX là cái tên nổi bật nhất trong thế hệ doanh nghiệp mới. Hãng giảm chi phí phóng, tìm cách cách mạng hóa cả hoạt động du lịch không gian cho con người lẫn thị trường phóng vệ tinh.
Tên lửa Long March 2D mang theo vệ tinh trinh sát của Trung Quốc được phóng lên không gian năm 2008 Ảnh: AFP/Getty Images
Cuộc “cách mạng vũ trụ” giờ lan đến Trung Quốc. Landscape, hãng chế tạo Zhuque-1, không phải công ty duy nhất nỗ lực bay vào không gian. Tính đến hiện tại, OneSpace cũng lên kế hoạch phóng tên lửa vào quỹ đạo trước cuối năm nay, còn iSpace thì dành tham vọng cho năm 2019.
Bất kể hãng nào thắng cuộc, vẫn có hai yếu tố rõ ràng. Thứ nhất, dàn startup không gian đang thay đổi ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc. Thứ nhì, ngay cả khi không có sự giúp đỡ của dàn startup này, Đại lục vẫn sẵn sàng trở thành cường quốc không gian ngang hàng Mỹ.
Khi các chương trình không gian của Mỹ và Nga chật vật với ngân sách thiếu chắc chắn, Trung Quốc tăng quy mô trên mọi mặt trận: Từ vệ tinh thông tin liên lạc cho đến vệ tinh trinh sát, từ nhóm vệ tinh định vị và điều hướng để cạnh tranh với chùm vệ tinh GPS của Mỹ cho đến chương trình đưa con người vào không gian. Quốc gia Đông Á còn có nhiều dự án thám hiểm không gian khoa học và robot đầy tham vọng. Tất cả những yếu tố này được khởi động bằng một loạt tên lửa mới với khả năng tiên tiến.
2018 đang trên đà trở thành năm đầu tiên có nhiều tên lửa từ Trung Quốc lên quỹ đạo Trái đất hơn bất cứ nước nào khác. Tính đến giữa tháng này, Trung Quốc phóng thành công 35 lần, cao hơn Mỹ là 30 lần.
Ngày 7.12, đợt phóng tên lửa từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương ở Tứ Xuyên đã đưa tàu tự hành không người lái có tên Chang’e 4 vào không gian. Tháng 1.2019, Chang’e 4 cố gắng hạ cánh xuống phần tối của mặt trăng. Nếu thành công, đây sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên làm được điều đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.