Trung Quốc siết nguồn cung kim loại quan trọng với công nghệ để trả đũa Mỹ?

24/05/2019 08:04 GMT+7

Trước đây, Trung Quốc từng dùng loại hàng hóa quan trọng cho ngành công nghệ, sản xuất này như vũ khí chính trị, đặc biệt là sau cuộc tranh chấp trên biển với Nhật Bản năm 2010.

Theo Bloomberg, thị trường kim loại đất hiếm một lần nữa là chủ đề được nhiều người chú ý. Họ cho rằng nhà sản xuất thống trị thế giới mảng này là Trung Quốc có thể bóp nghẹt nguồn cung khi chiến tranh thương mại, công nghệ với Mỹ leo thang.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump mạnh tay với Huawei Technologies và có thể là nhiều hãng công nghệ Trung Quốc khác làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ trả đũa nhiều ngành công nghiệp cần sử dụng loại hàng hóa quan trọng là kim loại đất hiếm. Kim loại đất hiếm là chủ đề nóng sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm một nhà máy trong tuần này.
Trước đây, Bắc Kinh từng dùng kim loại đất hiếm làm vũ khí, với lần đáng chú ý là hậu tranh chấp trên biển với Nhật Bản hồi năm 2010. Khả năng chiến tranh lạnh thương mại, công nghệ cũng làm nổi bật các ngành công nghiệp mà Trung Quốc dẫn đầu trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng. Trong số này có ngành xe điện và kho lưu trữ lớn, vốn phụ thuộc nhiều vào coban, lithium và một nhóm các vật liệu khác.
Ngoài đất hiếm, dưới đây là lĩnh vực công nghệ, sản xuất mà Trung Quốc hiện có ưu thế hơn Mỹ nếu xét về mặt nguồn cung.

Năng lượng mới

Mức phụ thuộc vào hàng nhập khẩu một số khoáng sản quan trọng của Mỹ Ảnh: Bloomberg
Trung Quốc dẫn trước đáng kể không chỉ trong việc sản xuất xe điện, phương tiện vận chuyển tương lai của con người, mà còn trong việc sản xuất pin cho xe điện. Nước này chiếm 80% sản lượng hóa chất coban của thế giới hồi năm ngoái, theo hãng Darton Commodities. Quốc gia Đông Á cũng là cái tên lớn trong mảng khai thác nguyên liệu thô, thông qua sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi chiếm tầm 70% nguồn cung toàn cầu.
Vivas Kumar, cựu giám đốc điều hành chuỗi cung ứng cho Tesla và hiện là cố vấn hãng Benchmark Mineral Intelligence, cho hay: “Việc để các thành phần hỗ trợ tương lai của nước Mỹ phụ thuộc vào nguồn nước ngoài chỉ khiến quốc gia có phần dễ bị ảnh hưởng lớn”. Trung Quốc hiện nắm 67% sản xuất pin thế giới, nhiều hơn hẳn mức 9% mà Mỹ nắm.
“Mỹ có thể đối mặt với vấn đề tương tự như trước đây từng gặp phải khi phụ thuộc vào dầu thô nước ngoài, và điều này sẽ vượt ngoài phương tiện chạy bằng điện và pin. Đây là vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ”, ông Kumar nói thêm.
Thế khó hiện tại cũng có thể khuyến khích các hãng Mỹ phát triển thêm ngành kim loại để làm pin. “Những gì họ cần nhận ra là phải đa dạng hóa nguồn cung. Có nhiều cơ hội bên trong biên giới Mỹ”, Mitchell Smith, giám đốc Global Energy Metal, hãng đang phát triển các dự án coban tại Mỹ, chia sẻ.

Kim loại đất hiếm và khoáng sản khác

Khoảng 80% nguồn cung kim loại đất hiếm của Mỹ đến từ Trung Quốc Ảnh: Bloomberg
Kim loại đất hiếm đột ngột được chú ý khi truyền thông Trung Quốc đưa tin về việc ông Tập đến thăm một nhà máy mảng này ở Jiangxi. Nhiều người dự đoán rằng Đại lục đang chuẩn bị “chiêu” bóp nghẹt nguồn cung để làm đối trọng trong cuộc chiến thương mại, công nghệ. 80% nhu cầu kim loại đất hiếm của Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc. Kim loại đất hiếm gồm neodymium, praseodymium và yttrium. Chúng được dùng trong tua-bin điện gió, xe điện, smartphone và cả các thiết bị quân sự.
Kim loại đất hiếm gần với chiến tuyến của cuộc chiến thương mại, công nghệ hơn các loại khoáng sản khác. Bắc Kinh đánh thuế lên nhà sản xuất duy nhất của Mỹ song lại thoát thuế đáp trả tương tự từ chính quyền ông Trump. Danh sách áp thuế lên 300 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập từ Trung Quốc đợt kế tiếp của Mỹ cũng không có kim loại đất hiếm.
Một số nhà lập pháp Mỹ quan tâm nhiều đến an ninh khoáng sản quốc gia ngay cả trước khi căng thẳng với Trung Quốc xuất hiện. Cuối năm 2017, Tổng thống Trump yêu cầu giới chức nghiên cứu sâu hơn về cách Mỹ giải quyết sự phụ thuộc vào nguồn cung khoáng sản nước ngoài. Thượng nghị sĩ Mỹ Lisa Murkowski còn trình dự luật An ninh Khoáng sản Mỹ nhằm khuyến khích sản xuất trong nước bằng cách tăng tốc giấy phép, cho phép nghiên cứu thêm và hỗ trợ tái chế.
Năm ngoái, Washington mở rộng danh sách các khoáng sản quan trọng lên 35 khoáng sản, trong số này có coban, lithum và kim loại đất hiếm. Trong danh sách này có vài cái tên quan trọng với các ngành công nghiệp và Trung Quốc đang là nhà cung ứng lớn, chẳng hạn như arsenic được dùng trong chất bán dẫn, indium được dùng trong màn hình LCD, antimony được dùng trong pin, scandium dùng trong pin nhiên liệu và bismuth dùng cho nghiên cứu y học, nguyên tử. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.