Trung Quốc 'siết' quyền riêng tư dữ liệu khiến nhiều công ty lao dốc

11/07/2021 16:21 GMT+7

Trung Quốc đã dành nhiều tháng để “cắt cánh” một số ông lớn công nghệ của mình vì lo ngại họ sẽ quá đà cuộc đua bay cao bay xa. Giờ đây, chính quyền Bắc Kinh đang nhắm vào kiểm soát quyền riêng tư dữ liệu.

Theo CNN, chính sách siết chặt đáng kinh ngạc của Trung Quốc đã có nạn nhân mới nhất là hãng gọi xe Didi, với các cáo buộc dịch vụ gọi xe này đã xử lý “sai” dữ liệu nhạy cảm của người dùng Trung Quốc.
Trước đó, công ty đã vượt mặt Uber sau khi đối thủ này bị loại khỏi Trung Quốc và bị gỡ ứng dụng khỏi các cửa hàng ứng dụng trong nước vì bị cáo buộc vi phạm về thu thập dữ liệu. Áp lực pháp lý đã làm đảo lộn bước đầu kế hoạch toàn cầu hóa của họ với tư cách là một công ty giao dịch công khai tại thị trường chứng khoán New York, khi cổ phiếu của Didi đã giảm mạnh tới gần 20% vào đầu tuần này khiến công ty mất tới 29 tỉ USD giá trị thị trường.

Trung Quốc cấm ứng dụng gọi xe lớn nhất nước Didi

Didi cho biết họ sẽ "cố gắng khắc phục mọi vấn đề", "bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của người dùng, ngăn ngừa rủi ro an ninh mạng". Nhưng các nhà đầu tư vẫn đặt ra một số câu hỏi nghiêm trọng về hoạt động kinh doanh của Didi, và công ty đã thừa nhận doanh thu của họ ở Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nặng nề.
Didi không phải là công ty Trung Quốc duy nhất hiện "đi trên lửa" với Bắc Kinh. Hai doanh nghiệp khác gần đây đã niêm yết tại New York là công ty gọi xe tải Full Truck Alliance và công ty niêm yết việc làm Kanzhun đều đã bị các cơ quan quản lý Trung Quốc chỉ định là sẽ bị giám sát "để ngăn chặn rủi ro bảo mật dữ liệu quốc gia". Cổ phiếu của họ đều giảm lần lượt là 11% và 12%, trong tuần này. Mới nhất, thương vụ sáp nhập hai trang web stream game lớn nhất Trung Quốc là Huya và DouYu trị giá 5,3 tỉ USD của Tencent cũng bị tuýt còi.

Hãng gọi xe Didi vừa lên sàn chứng khoán New York đã mất tới 29% giá trị thị trường sau khi bị Trung Quốc “dằn mặt”

Ảnh: Reuters

Theo Alex Capri, một nghiên cứu viên tại Hinrich Foundation có trụ sở tại Singapore, việc nhắm vào Didi, Tencent và các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ khác đã chỉ ra rằng cuộc đàn áp nhắm vào các công ty công nghệ của Trung Quốc đã bước vào một "giai đoạn mới". Ông nói, "dữ liệu ngày càng có vai trò chiến lược, đặc biệt là khi AI - thuật toán và máy học trở nên mạnh mẽ hơn, được kết hợp với các hoạt động mạng do chính phủ chống lưng, đang trở nên ngày càng phổ biến”. Khi điện toán phát triển hơn nữa, kho dữ liệu khổng lồ của các công ty nắm giữ sẽ càng trở nên quan trọng hơn với các tác nhân nhà nước.
Brock Silvers, CEO của Kaiyuan Capital có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết thêm, "không phải ngẫu nhiên mà 3 công ty (Didi, Full Truck Alliance và Kanzhun) đã bị điều tra ngay sau khi lên sàn giao dịch để huy động vốn tại Mỹ”, một dạng hành động “dằn mặt” và răn đe các công ty trong nước của chính quyền Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu dịu xuống.
Trước đó, Trung Quốc từng hoãn thương vụ bom tấn IPO của Ant Group - công ty của tỉ phú Jack Ma, vào phút chót vì cho rằng công ty “có nhiều vấn đề lớn” trong việc niêm yết. Kể từ đó, Bắc Kinh đã liên tiếp nhắm vào hoạt động của Alibaba, Tencent và cả bản thân tỉ phú Jack Ma với các cáo buộc liên quan tới độc quyền hoặc vi phạm quyền lựa chọn của khách hàng. Trong đó Alibaba đã bị phạt kỷ lục lên tới 2,8 tỉ USD vào tháng 4 vừa qua, trong khi Ant Group đã được lệnh đại tu hoạt động của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.