Thế giới đang diễn ra cuộc chạy đua ngày càng tăng tốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học, với mục tiêu tiến tới đạt được những liệu pháp điều trị ung thư hiệu quả hơn, các tiến bộ liên quan đến nỗ lực kéo dài tuổi thọ ở người, những đột phá về thuốc men và vắc xin.
Và Trung Quốc đang nắm trong tay lợi thế nhờ vào dân số đứng hàng thứ hai thế giới với 1,4 tỉ người. Đây quả là kho báu vô giá về khía cạnh dữ liệu di truyền ở người.
Đài CNN dẫn lời giới chuyên gia cho biết một số lượng khổng lồ những dữ liệu dạng này đang được lưu giữ bên trong các ngân hàng sinh học và những trung tâm nghiên cứu trên toàn quốc.
Hiện chính phủ Trung Quốc đang tiếp tục triển khai một "cuộc khảo sát di truyền quốc gia" để thu thập thông tin và tiến tới siết chặt việc kiểm soát dữ liệu, ngăn chặn các nước khác truy cập.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ sinh học
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học và giới hữu trách Trung Quốc không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của vật liệu di truyền trong nghiên cứu và điều trị nhiều căn bệnh khó chữa; điều chế các dòng thuốc và thiết bị y khoa thế hệ mới; cũng như hiểu sâu hơn về cách thức dị tật bẩm sinh hình thành hoặc gien di truyền góp phần như thế nào vào tuổi thọ con người.
Vấn đề trên càng thêm cấp thiết trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt nguy cơ khủng hoảng nhân khẩu học, khi mà sinh suất giảm và lực lượng lao động đang già đi.
Dữ liệu di truyền học của Trung Quốc được đánh giá là nguồn tài nguyên chiến lược và kho báu của quốc gia. Để thể hiện sự quan tâm ngày càng cao độ hơn trong lĩnh vực công nghệ sinh học, các trung tâm nghiên cứu mới liên tục mọc lên ở nhiều địa phương. Trong số này, không ít các tập đoàn dược phẩm sinh học vào thời điểm niêm yết công khai cho thấy giá trị lên đến hàng trăm tỉ USD.
Năm 2015, chính phủ Trung Quốc thông báo sở hữu kho dữ liệu di truyền lớn nhất thế giới, với khoảng 44 triệu đầu thông tin.
Thậm chí Đảng Cộng sản Trung Quốc còn gọi công nghệ sinh học là một trong các "ngành công nghiệp chiến lược đang lên" và nhận được sự ủng hộ phát triển của chính phủ khi thực hiện kế hoạch 5 năm mới nhất.
"Trung Quốc tập hợp được khối lượng di truyền lớn nhất thế giới", CNN dẫn lời bà Anna Puglisi, Giám đốc các chương trình công nghệ sinh học của Đại học Georgetown, tại cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ về vấn đề an ninh quốc gia năm 2021.
Bà Puglisi bổ sung vấn đề tìm hiểu cơ chế hoạt động của gien di truyền là "một trong những câu hỏi quan trọng nhất của lĩnh vực nghiên cứu dược phẩm và sinh học". Theo bà, việc Trung Quốc tiếp cận được nguồn dữ liệu di truyền của thế giới trong khi sở hữu kho dữ liệu riêng của mình mang đến lợi thế cho nước này trong nỗ lực tìm ra câu trả lời cho một số vấn đề trên.
Có những dấu hiệu cho thấy Mỹ, đối thủ lâu nay của Trung Quốc về công nghệ, địa chính trị, sức mạnh quân sự và kinh tế, đang cảm thấy áp lực gia tăng đến từ Bắc Kinh. Một số báo cáo của các viện chính sách và tổ chức nghiên cứu đề cập đến nguy cơ Mỹ đang mất đi lợi thế cạnh tranh trước Trung Quốc trong lĩnh vực mới.
Bên cạnh đó, bà Joy Y. Zhang, Giám đốc Trung tâm Khoa học Toàn cầu và Công bằng Tri thức thuộc Đại học Kent (Anh), cho rằng bản chất của kho dữ liệu mà Trung Quốc đang nắm giữ, theo đó không được tổ chức tốt và tản mát, mang đến thách thức khó xử lý cho giới chức quốc gia Đông Á.
Thách thức mà Trung Quốc đang đối mặt
Bà Zhang có mặt tại các buổi tham vấn hồi tháng 7 nhằm thảo luận những quy định mới cho phép tăng cường năng lực kiểm soát của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Theo bà, thực tế cho thấy các ngân hàng sinh học ở Trung Quốc vẫn còn hoạt động tản mát và khó truy cập thông tin.
Chẳng hạn, rất khó chia sẻ dữ liệu di truyền trong phạm vi nội bộ Trung Quốc, vì các ngân hàng ở những khu vực khác nhau hiện thuộc quyền quản lý của các cấp khác biệt.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng quy mô nhỏ không được trang bị cơ sở hạ tầng phù hợp cho công tác phân tích, thẩm định, lưu trữ vật liệu di truyền ở mức có thể sử dụng được cho các mục đích nghiên cứu khoa học.
"Một ngân hàng sinh học cần nhiều tiền để vận hành tốt, và thật là điều phung phí nếu không thể sử dụng dữ liệu hoặc vật liệu của các ngân hàng như thế", theo bà Zhang.
Trung Quốc đang hy vọng cải thiện công tác quản lý dữ liệu di truyền, với việc đưa vào thi hành nhiều điều luật mới kể từ khi bộ quy định đầu tiên được công bố vào năm 2019.
Một trong những nỗ lực lớn nhất là triển khai cuộc khảo sát trên toàn quốc về các nguồn vật liệu di truyền ở người, theo đó nhằm tập trung hóa và tiêu chuẩn hóa kho dữ liệu hiện có.
Cuộc khảo sát sẽ được tiến hành theo tần suất 5 năm/lần. Tuy nhiên, các quy định thực hiện lại khá mù mờ và ít có thông tin cụ thể liên quan đến quy mô hoặc phương pháp luận trong quá trình thực hiện khảo sát.
Ngăn chặn nước ngoài tiếp cận kho dữ liệu
Với ADN ngày càng trở thành tài nguyên chiến lược của một quốc gia như dầu khí và đất đai, Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ kho liệu về gien di truyền của nước này.
Bộ quy định ban đầu vào năm 2019 cấm các tổ chức nước ngoài thu thập vật liệu di truyền của Trung Quốc, hoặc cung cấp dữ liệu cho nước ngoài.
Xu hướng trên đi ngược lại với nhiều nước phương Tây, vốn cam kết tăng cường chia sẻ thông tin cho toàn cầu. Một số chuyên gia cảnh báo quyết định của Trung Quốc không những có thể gây khó khăn hơn cho nỗ lực hợp tác quốc tế, mà còn dẫn đến phản tác dụng cho phía Trung Quốc.
"Chính quyền Bắc Kinh muốn kiểm soát chặt chẽ công nghệ sinh học vì họ nhận ra tiềm năng kinh tế to lớn đến từ lĩnh vực này. Thế nhưng, Trung Quốc ngược lại cần đến sự hợp tác của thế giới để khai thác đúng mức tiềm năng đó", Đài CNN dẫn lời bà Zhang).
"Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc theo kiểu bạn có mỏ vàng ngay trước cửa nhà, nhưng lại không biết cách khai thác mỏ để lấy vàng", theo cách bà Zhang ví von.
Bình luận (0)