Trung Quốc 'soi' nông sản Việt

25/12/2018 17:50 GMT+7

Thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính. Đây không còn là cảnh báo mà trên thực tế nước này ngày càng yêu cầu cao không chỉ về chất lượng sản phẩm, mà cả… bao bì.

5 yêu cầu về bao bì

Theo Bộ Công thương, từ ngày 15.12.2018, Trung Quốc tăng cường kiểm tra sản phẩm sắn nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, cơ quan Hải quan tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tăng cường kiểm tra, quản lý việc nhập khẩu tinh bột sắn, sắn lát từ Việt Nam qua 5 yêu cầu. Thứ nhất, hàng hóa phải do doanh nghiệp (Việt Nam) nằm trong danh sách đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phía Việt Nam đăng ký với Cơ quan Hải quan Trung Quốc. Thứ hai, khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch của Việt Nam chứng nhận. Thứ ba, nhãn mác hiển thị trên bao bì phải được in lên bao bì vừa đóng gói trước khi xuất xưởng, không cho phép hàng hóa đến cửa khẩu mới dùng biện pháp phun tạm thời hoặc lồng bao bì có in sẵn sản phẩm hay cách thức/hình thức khác. Thứ tư, yêu cầu phải có đầy đủ thông tin trên bao bì.
Thứ 5, trên bao bì cần ghi rõ ít nhất 5 yếu tố gồm: nơi sản xuất, cấp bậc chất lượng, đơn vị sản xuất, ngày sản xuất và ghi rõ ràng hàng hóa dùng trong thực phẩm hay dùng trong công nghiệp.
Bên cạnh sắn, các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo cũng cho biết đang phải đối mặt với những yêu cầu tương tự. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết: Năm nay Trung Quốc liên tục tăng các loại thuế đối với các sản phẩm gạo Việt Nam. Ngoài thuế quan, nước này cũng dựng lên các hàng rào kỹ thuật với gạo Việt. Mới đây họ lại tiếp tục tăng thời gian xông trùng lên đến 120 giờ thay vì 24 giờ như trước đây. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu bao bì phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, có dấu của cơ quan kiểm định Trung Quốc. Điều này gián tiếp buộc doanh nghiệp phải sử dụng bao bì của họ.
Thực tế trong khoảng 2 năm qua, Trung Quốc liên tục tăng các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng cường giám sát chất lượng các loại nông sản Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc đặc biệt là lúa gạo. Đối với các mặt hàng này, phía Trung Quốc đã cử các đoàn kiểm tra giám sát đến tận đồng ruộng và các nhà máy chế biến xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó họ còn chỉ định những trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm…

Nhiều nông sản gặp khó

Trước mắt Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp danh sách các doanh nghiệp kinh doanh tinh bột sắn của Việt Nam để cung cấp cho phía Trung Quốc đáp ứng đúng yêu cầu của phía Trung Quốc và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đang vào vụ thu hoạch nhưng do ảnh hưởng thị trường Trung Quốc nên đầu ra gặp khó Đức Huy
Trong 11 tháng qua, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 2,2 triệu tấn, trị giá 881 triệu USD, giảm gần 37% về lượng và giảm 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 87% thị phần xuất khẩu của Việt Nam.
“Thời gian tới, xuất khẩu sắn sang Trung Quốc vẫn gặp khó khăn do phía Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác bao bì. Hiện đã vào chính vụ sản xuất tinh bột sắn tại Việt Nam nên nguồn cung khá dồi dào. Tuy nhiên, nhu cầu mua hàng từ thị trường Trung Quốc chậm hơn so với các năm gần đây, sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu sắn của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới”, theo Bộ Công thương.
Các doanh nghiệp ngành gạo cũng nhận định tình hình xuất khẩu vào Trung Quốc trong năm tới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn vì chính sách của họ luôn thay đổi. Bên cạnh đó, trong thời gian qua nhiều sản phẩm như: thanh long, bưởi da xanh… cũng liên tục gặp khó khi tiếp cận với thị trường Trung Quốc.
“Trên thực tế về mặt khách quan, người tiêu dùng ngày càng khó tính và thị trường Trung Quốc cũng vậy. Chính vì vậy để giải bài toán xuất khẩu nông sản trong thời gian tới cần gắn với thị trường và chất lượng sản phẩm. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp phải liên kết sản xuất với nông dân để đảm bảo chất lượng, truy xuất được nguồn gốc. Đó là yêu cầu mới hiện nay”, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.