Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) mới đây tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế nhằm chống đỡ giữa cảnh chứng khoán lao dốc và nhân dân tệ yếu đi.
Trung Quốc vừa tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế - Ảnh: Bloomberg |
Theo CNN và Bloomberg, PBOC mới đây giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc dành cho các ngân hàng 0,5 điểm phần trăm, bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 1.3. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện giờ là 17% cho các ngân hàng lớn nhất, song đây vẫn là tỷ lệ dự trữ thuộc hàng cao nhất trên thế giới.
PBOC kỳ vọng các ngân hàng sẽ bơm tiền vào kinh tế Trung Quốc. Cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một trong những công cụ chính được các ngân hàng trung ương thế giới sử dụng để kích thích tăng trưởng.
PBOC phát tín hiệu trong những tuần gần đây, nói rằng họ sẽ thúc đẩy tăng trưởng bằng cách hướng dẫn thị trường liên ngân hàng và bơm thanh khoản thông qua các hoạt động thị trường mở.
Các nhà kinh tế tại Capital Economics cho hay việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đồng nghĩa rằng các lo ngại về dòng tiền thoái khỏi Đại lục đã được giảm bớt. Giới chuyên gia ước tính đã có hàng trăm tỉ USD, có thể lên đến 1.000 tỉ USD, đã rời Trung Quốc trong năm qua.
Giới đầu tư đã và đang cố gắng bảo vệ đồng tiền của họ khi giá trị nhân dân tệ đi xuống. Nhiều người nhìn thấy cơ hội tốt hơn ở nước ngoài, cho dù đó là đầu tư vào thị trường ngoại quốc hay bất động sản.
Lòng tin vào thị trường thời gian qua không khá lên vì thị trường bất động sản gặp khó và chứng khoán Trung Quốc lao dốc. Chỉ số Shanghai Composite đã mất gần 1/4 giá trị trong năm nay vừa giảm thêm 2,9% hôm 29.2.
Năm ngoái, Đại lục có mức tăng trưởng kinh tế hằng năm thấp nhất trong 1/4 thế kỷ. Chính phủ đang cố gắng để thay đổi động cơ tăng trưởng từ sản xuất và đầu tư được hỗ trợ bởi nợ sang dịch vụ và chi tiêu tiêu dùng.
Bắc Kinh đang có nhiều lựa chọn kích thích kinh tế nếu họ xác định các biện pháp hỗ trợ bổ sung là cần thiết. Các nhà hoạch định chính sách có thể tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng, hoặc bơm tín dụng vào nền kinh tế. “Chúng tôi cho rằng Trung Quốc vẫn còn đạn dược để hỗ trợ tăng trưởng”, giới phân tích tại ngân hàng UBS nhận định.
Bình luận (0)