Tàu hải cảnh bật tín hiệu gần bãi Tư Chính
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 29.2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã lên tiếng phản đối tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền ở bãi ngầm Tư Chính.
Cụ thể, liên quan thông tin Trung Quốc điều tàu hải cảnh hoạt động tại bãi Tư Chính của VN, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh bãi ngầm Tư Chính là một phần của thềm lục địa VN và được xác lập hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982.
"VN kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của VN, được xác lập hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982", bà Hằng nêu rõ.
Trước đó, theo dữ liệu từ chuyên trang theo dõi hàng hải Marine Traffic, tàu hải cảnh 5901 của Trung Quốc ngày 20.2 đã bật hệ thống nhận dạng tự động (AIS) tại vị trí gần bãi Tư Chính và hiện diện tại khu vực trong nhiều ngày.
Tàu dân binh tăng cường hiện diện
Trong một diễn biến khác, Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), chương trình thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở ở Mỹ), ngày 28.2 đã công bố báo cáo mới về hoạt động của tàu dân binh Trung Quốc ở Biển Đông.
AMTI dẫn nguồn hình ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy trong năm 2023, tàu dân binh Trung Quốc thường xuyên lui tới 9 thực thể ở quần đảo Trường Sa. Hình ảnh được cập nhật trung bình 4 lần mỗi tháng tại mỗi thực thể để từ đó so sánh dữ liệu hình ảnh nhằm thống kê. Hiện nay, tàu dân binh của Trung Quốc còn có những tàu dài 36 m, nhưng nghiên cứu trên chỉ tính toán các tàu dài từ 45 - 65 m.
Qua đó, dữ liệu cho thấy lực lượng dân binh Trung Quốc năm 2023 đã hoạt động với tần suất nhiều hơn trước đây. Trung bình có 195 tàu dân binh được nhìn thấy vào bất kỳ ngày nào trong năm 2023, tăng 35% so với lần theo dõi của AMTI về lực lượng tàu dân binh trong khoảng thời gian 12 tháng từ năm 2021 - 2022.
Trong đó, có sự thay đổi đáng kể số lượng tàu đến đá Vành Khăn vào mùa hè năm 2023 với hơn 180 tàu dân binh được quan sát thấy đã tập trung trong hình ảnh từ tháng 7 sau khi hiện diện rất ít trong những tháng trước đó. Ngoài ra, theo AMTI, các nhóm tàu dân binh cũng được nhìn thấy ở bãi đá Tư Nghĩa và bãi đá Ba Đầu. Cụm Sinh Tồn là nơi mà nhiều tàu dân binh Trung Quốc hiện diện. Tàu dân binh Trung Quốc cũng hiện diện khá lâu dài tại bãi đá Ga Ven thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa.
Theo thông lệ, tàu dân binh của Trung Quốc sẽ giảm dần từ tháng 12.2023 - 2.2024 do nhiều tàu quay về nghỉ tết.
Đến hôm qua, phía Trung Quốc chưa đưa ra phản hồi nào liên quan báo cáo trên của AMTI.
Những năm qua, tàu dân binh là một trong 3 lực lượng mà nước này đang sử dụng để tạo dựng "vùng xám" nhằm tăng cường kiểm soát ở Biển Đông. Hai lực lượng còn lại hỗ trợ cho tàu dân binh là tàu hải cảnh và tàu quân sự của Trung Quốc.
Các tàu dân binh đã nhiều lần đâm đụng, thậm chí đâm chìm tàu cá của các nước trong khu vực. Những hành động này "núp bóng" là hoạt động dân sự chứ không phải tàu quân sự. Qua đó, Bắc Kinh thực hiện chiến thuật "tằm ăn dâu" để từng bước kiểm soát Biển Đông.
Tổng thống Philippines lo ngại
Phát biểu trước Quốc hội Úc vào ngày 29.2, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nhấn mạnh Manila kiên quyết bảo vệ chủ quyền của nước này, theo tờ Nikkei Asia. Qua đó, ông Marcos Jr. cũng khẳng định: "Việc bảo vệ Biển Đông - một tuyến hàng hải then chốt của thế giới - là rất quan trọng để duy trì hòa bình khu vực. Chúng ta có lợi ích lâu dài trong việc giữ cho các vùng biển tự do và rộng mở, cũng như đảm bảo việc đi lại và tự do hàng hải không bị cản trở".
Vào tháng 11.2023, Úc và Philippines bắt đầu các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động ở vùng biển này.
Phát biểu trước khi lên đường công du Úc, Tổng thống Marcos Jr. ngày 28.2 nhấn mạnh việc tàu hải quân Trung Quốc hiện diện ở Biển Đông là "đáng quan ngại". Trước đó, tàu tuần duyên Philippines thông báo đã phát hiện tàu hải quân Trung Quốc ở gần bãi cạn Scarborough - nơi hai bên có nhiều tranh chấp gần đây.
Bình luận (0)