Tờ South China Morning Post ngày 2.5 dẫn báo cáo của tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom thông báo lượng khí tự nhiên xuất sang Trung Quốc từ tháng 1-4.2022 tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, lượng khí đốt Gazprom bán cho các nước ngoài Cộng đồng các quốc gia độc lập (nhóm nước Đông Âu và Trung Á từng là thành viên Liên Xô và hiện duy trì quan hệ mật thiết với Nga) đã giảm 26,9% trong cùng giai đoạn, xuống còn 50,1 tỉ m3.
Đường ống khí đốt từ Nga sang Trung Quốc |
Reuters |
Nga xuất khẩu khí tự nhiên sang Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia, vận hành từ năm 2019. Năm 2020, khoảng 4,1 tỉ m3 đi qua đường ống này và Gazprom đặt mục tiêu đạt công suất tối đa 38 tỉ m3 vào năm 2025.
Hồi tháng 2, trước khi Nga mở màn chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã đến Trung Quốc và ký hợp đồng dầu khí trị giá ước tính 117,5 tỉ USD, trong đó gồm thỏa thuận Gazprom cung cấp 10 tỉ m3 khí đốt mỗi năm qua đường ống Power of Siberia 2, nối đảo Sakhalin ở vùng Viễn Đông đến tỉnh Hắc Long Giang ở đông bắc Trung Quốc. Đường ống này dự kiến hoạt động trước năm 2026.
Nga thu gấp đôi tiền xuất khẩu năng lượng trong 2 tháng bất chấp cấm vận |
Nga cũng đang dự tính xây dựng tuyến đường ống Soyuz Vostok chạy từ Nga qua Mông Cổ và Trung Quốc. Sau khi hoàn tất, tổng lượng khí đốt Nga xuất khẩu sang Trung Quốc mỗi năm có thể đạt 98 tỉ m3.
Trong khi Trung Quốc nhấn mạnh tiếp tục quan hệ thương mại với Nga và phản đối việc cấm vận, phương Tây đang tìm cách giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow.
Liên minh châu Âu (EU) được cho là đang lên kế hoạch cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga trong năm nay. 26% lượng dầu mỏ mà EU nhập khẩu là từ Nga, dù mức độ của từng nước là khác nhau.
Phần Lan sẽ là nước kế tiếp ngừng nhập khí đốt Nga? |
Một số quan chức châu Âu cho biết EU có thể miễn trừ Slovakia và Hungary khỏi lệnh cấm vận nêu trên vì hai nước này phụ thuộc lớn vào dầu mỏ từ Nga. Hungary đã tuyên bố sẽ phản đối nếu lệnh cấm vận được công bố. Theo Reuters, Slovakia nhập 96% và Hungary nhập 58% lượng dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ từ Nga trong năm 2021.
Năm ngoái, Đức cũng nhập 35% dầu thô từ Nga nhưng trong những tuần gần đây đã giảm xuống 12%. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck ngày 2.5 nói rằng Đức sẽ vượt qua khó khăn ngay cả khi EU ban hành lệnh cấm vận và khiến lượng dầu mỏ bị thiếu hụt.
Cố vấn thủ tướng Đức Joerg Kukies ngày 1.5 nói rằng Đức ủng hộ việc cấm dầu mỏ Nga nhưng cần thêm vài tháng để tìm nguồn thay thế.
Mặt khác, Viện nghiên cứu năng lượng EWI (Đức) ngày 2.5 cảnh báo Đức cần hạn chế sử dụng khí đốt, ngay cả khi nguồn cung từ Nga đang tiếp tục, để chuẩn bị cho nguy cơ bị Moscow cắt nguồn cung. Gần đây, Nga đã cắt nguồn khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vì hai nước này không chịu thanh toán bằng đồng rúp.
Bình luận (0)