Trung Quốc tham vọng lọt vào nhóm đầu thế giới về robot vào năm 2035

29/12/2021 21:55 GMT+7

Trung Quốc đã công bố một loạt các mục tiêu đầy tham vọng nhằm tăng mức độ tự động hóa trong sản xuất và phấn đấu trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong việc để robot tham gia lao động.

Cánh tay robot trên dây chuyền sản xuất xe SUV của nhà máy Great Wall Motors ở Trùng Khánh, Trung Quốc

chụp màn hình south china morning post

Theo South China Morning Post, kế hoạch 5 năm do một số cơ quan, bao gồm Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, công bố có mục tiêu đạt mức tăng trưởng về doanh số bán robot hàng năm tối thiểu 20%. Bắc Kinh cũng hướng đến việc tăng gấp đôi mật độ robot.

Trung Quốc đang là một trong những quốc gia tích cực nhất trong việc thay thế người lao động bằng máy móc, một phần để đối phó với việc lực lượng lao động ngày càng ít lại và già đi. Báo cáo của Liên đoàn Robot Quốc tế công bố trong tháng 12 cho thấy năm 2020, Trung Quốc xếp thứ 9 về mật độ robot - được đo bằng số đơn vị robot trên 10.000 người lao động. Năm năm trước đó, Trung Quốc chỉ xếp hạng 25.

Với mật độ robot là 246 robot/10.000 người lao động, Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Hàn Quốc - nước hiện có mật độ robot là 932 và đã đứng đầu thế giới kể từ năm 2010. Tuy nhiên, mật độ robot của Trung Quốc vẫn cao hơn mức trung bình toàn cầu là 126 và gần bằng mốc 255 của Mỹ.

Trong kế hoạch mới nhất về sản xuất thông minh, Trung Quốc đặt mục tiêu số hóa 70% các nhà sản xuất trong nước vào năm 2025. Theo một kế hoạch khác về ngành robot, Trung Quốc muốn trở thành “nguồn sáng tạo” toàn cầu trong lĩnh vực robot, tạo ra đột phá trong công nghệ robot cốt lõi và các sản phẩm robot cao cấp vào cùng năm. Kế hoạch này cũng nêu rõ rằng khả năng chế tạo robot của Trung Quốc sẽ nằm trong nhóm hàng đầu thế giới vào năm 2035.

Kế hoạch được công bố trong bối cảnh Bắc Kinh đang cố gắng nâng cấp nền kinh tế giữa cuộc cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt với Mỹ. Kế hoạch chỉ ra rằng mất cân đối giữa cung - cầu và sự ổn định của chuỗi cung ứng là những thách thức Trung Quốc cần vượt qua. Ngoài ra, ngành công nghiệp chế tạo người máy của Trung Quốc phải đối mặt với các vấn đề bao gồm thiếu tích lũy công nghệ, nền tảng công nghiệp yếu và không đủ nguồn cung chất lượng cao.

Đến năm 2025, Trung Quốc muốn xây dựng ít nhất 500 nhà máy theo mô hình sản xuất thông minh và tạo ra ít nhất 150 nhà cung cấp giải pháp sản xuất thông minh.

Ba Lan thuê robot vì thiếu lao động

Theo báo cáo Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi thuộc Đại học Georgetown công bố tháng trước, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về bằng sáng chế robot. Nước này chiếm gần 35% lượng bằng sáng chế mới trên toàn cầu giai đoạn 2005-2019.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.