Theo Bloomberg New Energy Finance (BNEF), công ty liên danh mới giữa tập đoàn khai thác than hàng đầu Trung Quốc và một trong những nhà sản xuất điện lớn nhất nước có tổng tài sản trị giá khoảng 217 tỉ USD và sẽ có công suất lắp đặt hơn 225 GW, vượt qua cả Electricite de France SA (Pháp) và Enel SpA (Ý).
Frank Yu, nhà phân tích của hãng tư vấn Wood Mackenzie, cho biết Electricite de France có công suất lắp đặt đạt 137,5 GW vào năm ngoái. Trong khi đó, Enel có tổng công suất lắp đặt là 83 GW tính đến ngày 30.6.2017.
Sự liên kết Shenhua-Guodian có thể là một trong số ít các vụ sáp nhập xảy ra trong ngành công nghiệp điện của Trung Quốc khi các nhà hoạch định chính sách cấp cao của nước này cố gắng cắt giảm công nghiệp, cũng như số lượng doanh nghiệp nhà nước vốn đã quá lớn.
“Thương vụ này giúp củng cố định hướng cải cách doanh nghiệp nhà nước, sáp nhập với các công ty cùng ngành nhằm giảm đầu tư dư thừa và nâng cao hiệu quả sản xuất”, ông Tian Miao, chuyên gia phân tích cao cấp của Sun Hung Kai Financial tại Bắc Kinh, nói.
Trong một bài báo cáo nghiên cứu hồi đầu tháng này, ông Yu viết rằng động thái sáp nhập mang lại lợi ích chung cho cả hai bên. Shenhua có thể giảm sự phụ thuộc vào công suất đốt than, hiện chiếm khoảng 90%, bằng cách sử dụng nguồn năng lượng sạch của Guodian. Ngược lại, Goudian sẽ hưởng lợi từ nguồn cung cấp than đá, khả năng quản lý rủi ro giá cả, cũng như cơ sở hạ tầng tích hợp bao gồm đường sắt, bến cảng và tàu của Shenhua.
Tài sản của Shenhua có giá trị khoảng 1.014 tỉ nhân dân tệ. Trong năm ngoái công ty này đã sản xuất khoảng 290 triệu tấn than và tổng công suất phát điện là 82 GW. Trong khi đó, Goudian có tổng tài sản 803 tỉ nhân dân tệ và công suất phát điện đạt 145 GW.
Theo BNEF, công ty điện được sáp nhập cũng sẽ tạo ra 23% năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời, thủy điện và hạt nhân để cạnh tranh mạnh trên thị trường khi Trung Quốc đang nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng than. “Đây chỉ là một trong hàng loạt vụ sáp nhập lớn mà chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch để hợp nhất ngành điện. Mục đích cuối cùng của họ là hình thành nên các công ty năng lượng lớn hơn có khả năng phòng ngừa rủi ro thị trường giữa than và điện. Hoặc họ có thể bán công nghệ hạt nhân, công nghệ năng lượng điện cho các thị trường mới nổi ở châu Á, và đó là những gì chính phủ nước này muốn quảng bá”, Sophie Lu, nhà phân tích của BNEF, viết trong một báo cáo.
tin liên quan
Trung Quốc có thể 'xuất khẩu' suy thoái kinh tế đến bất kỳ nước nàoMức nợ cao của Trung Quốc có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến bất cứ nước nào trên thế giới.
Bình luận (0)