Một báo cáo chính sách mới từ Tổng cục thể thao Trung Quốc cho biết, 16-18 thành phố nên cố gắng có 2 đội chuyên nghiệp và cơ sở hạ tầng phù hợp trong vòng 4 năm tới, theo AFP. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn đưa quốc gia đông dân nhất thế giới trở thành siêu cường bóng đá, nhưng kết quả cho đến nay vẫn chưa thấy tiến triển. Ngược lại, ngoài việc chứng kiến nhiều CLB phá sản, các tuyển quốc gia nước này liên tục gây thất vọng ở đấu trường quốc tế trong những năm qua.
|
Theo chính sách trên, bóng đá trẻ ở các thành phố được chỉ định phải trở nên "cực kỳ phổ biến", và phải có ít nhất một sân bóng cho 10.000 người tham gia thi đấu. “Bóng đá Trung Quốc cũng sẽ là một trong những nền bóng đá tốt nhất châu Á vào năm 2030”, theo mục tiêu của chính sách mới.
Trung Quốc hiện đứng thứ 77 trên bảng xếp hạng FIFA, đứng hạng thứ 9 châu Á và mới chỉ dự World Cup một lần vào năm 2002. Nói trên tờ People's Daily, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) Trần Tất Nguyên cho biết người hâm mộ không hài lòng với "hiện trạng". Ông thừa nhận: “Sự hồi sinh và phát triển của bóng đá Trung Quốc còn một chặng đường dài phía trước”.
|
Sau một thời kỳ bùng nổ với các CLB của Trung Quốc chiêu mộ hàng loạt sao ngoại với mức phí “cắt cổ”, nhiều đội đã gặp khó khăn khi một số đội - bao gồm cả nhà vô địch năm ngoái là CLB Giang Tô - lâm vào thế bí tài chính. Hiện cơ hội đi tiếp của tuyển Trung Quốc ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022/VCK Asian Cup 2023 cũng đang lơ lửng do đứng nhì bảng A, kém Syria đến 8 điểm (7 so với 15) nhưng thi đấu ít hơn 1 trận. Ở lượt trận sắp tới, tuyển Trung Quốc (nước được chọn làm chủ nhà bảng A) đã phải triệu tập đến 5 cầu thủ nhập tịch với hy vọng củng cố đội hình khi bóng đá trong nước ngày càng hiếm những tài năng.
Bình luận (0)