Trung Quốc đã đổ rất nhiều công sức, tiền của cho chiến lược quyền lực mềm nhưng nước này vẫn bị nhìn bằng ánh mắt nghi ngại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters
|
Cách đây khoảng một năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố thúc đẩy quyền lực mềm bằng cách phổ biến những giá trị hiện đại và sự quyến rũ của văn hóa nước này ra thế giới, theo Tân Hoa xã. Để hoàn thành mục tiêu, Trung Quốc đang ra sức bồi đắp 2 trụ cột chính trong chiến lược quyền lực mềm của mình là hệ thống Viện Khổng tử (CI) và chính sách tăng cường dấu ấn ở châu Phi hay châu Mỹ La tinh.
Nhìn vào số lượng, có vẻ chiến lược ấy đã thành công rực rỡ khi hiện nay đã có 475 CI và 851 phòng học Khổng tử được lập tại 126 quốc gia, khu vực, với tổng cộng 3,45 triệu học viên đăng ký, theo Tân Hoa xã.
Hình ảnh Trung Quốc cũng tràn ngập ở nhiều nước châu Phi thông qua các lớp học tiếng Hoa mọc lên như nấm sau mưa hoặc những “món quà” khổng lồ như tòa nhà quốc hội Malawi do Bắc Kinh xây tặng năm 2011. Tuy nhiên, về tác dụng thực tế thì nhiều nhà quan sát đánh giá chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc vẫn đang gặp những thách thức lớn.
Sự vô văn hóa cuốn trôi quyền lực mềm
Chuyên san The Economist dẫn kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Pew cho thấy bất chấp nỗ lực quảng bá, hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới không được cải thiện nhiều, thậm chí còn có phần thụt lùi.
Năm 2007, có 42% người Mỹ được hỏi có thiện cảm với Trung Quốc, nhưng tỷ lệ này vào năm ngoái tụt xuống 37%. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến quyền lực mềm của Trung Quốc không phát huy tác dụng chính là từ bản thân nước này.
Trong lúc hệ thống Viện Khổng tử ra sức quảng bá truyền thống văn hóa lễ nghĩa 5.000 năm của Trung Quốc thì một bộ phận lớn người dân họ lại ra sức “phá”. Chuyện du khách Trung Quốc ăn nói, hành động thô lỗ, khạc nhổ, phá hoại di tích hay chen ngang ngày càng trở nên quen thuộc, theo bài nhận định đăng hôm 31.12.2014 của tờ South China Morning Post (SCMP).
Bất chấp nỗ lực quảng bá, hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới không được cải thiện nhiều, thậm chí còn có phần thụt lùi - Ảnh: Reuters
|
Hồi tháng 10 năm ngoái, dư luận Đức sửng sốt trước vụ một nhóm du khách Trung Quốc ở TP.Frankfurt không chịu đổi tiền lẻ để vào nhà vệ sinh mà ngang nhiên “giải quyết” ngay ngoài đường. Đến tháng 12, lại xảy ra chuyện một phụ nữ Trung Quốc tạt nước nóng vào tiếp viên Thái Lan trên máy bay.
Trước tình trạng trên, nhà nghiên cứu Lưu Tứ Mẫn thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhấn mạnh với SCMP: “Chúng ta phải thừa nhận người Trung Quốc thô lỗ khi ra nước ngoài vì họ thô lỗ từ trong nước”.
Ngoài ra, các viện Khổng tử đang gặp phải sự kháng cự và e ngại ngày càng tăng. Chuyên san The Economist dẫn lời Giáo sư Glenn May tại Đại học Oregon (Mỹ) cáo buộc hệ thống CI hướng các buổi thảo luận về Trung Quốc tránh xa những chủ đề nhạy cảm.
Hồi tháng 6.2014, Hiệp hội Giáo sư đại học Mỹ đề nghị đóng cửa các CI ở Mỹ nếu chúng không đáp ứng những tiêu chuẩn về tự do học thuật và minh bạch. Đến tháng 9, Đại học Chicago quyết định ngừng đàm phán gia hạn thỏa thuận lập CI sau khi 100 giáo sư ký kiến nghị cảnh báo Bắc Kinh có thể gây ảnh hưởng tới chương trình giảng dạy của trường.
Ngay cả một số nước châu Phi, được đánh giá là vùng đất màu mỡ cho quyền lực mềm Trung Quốc, cũng lo ngại. Theo Reuters, không ít người than phiền rằng các dự án đầu tư về văn hóa, thương mại, kinh tế từ Trung Quốc không đem lại lợi ích nhiều cho người dân bản xứ mà chỉ nhằm mở đường khai thác tài nguyên và chiếm lấy việc làm.
Việc ngày càng nhiều thanh niên ở các nước châu Phi học tiếng Hoa không phải do họ ngưỡng mộ Trung Quốc mà là để tìm kiếm cơ hội việc làm. Có lẽ do đó mà Thống đốc Ngân hàng trung ương Nigeria Lamido Sanusi cảnh báo dù Trung Quốc quảng bá cách tiếp cận “đôi bên đều có lợi” nhưng người châu Phi vẫn “thua” quá nặng, theo The Diplomat.
Rắn làm hại mềm
BBC dẫn lời cha đẻ thuật ngữ “quyền lực mềm” là Giáo sư Joseph Nye chỉ ra rằng sự thành công của chiến lược quyền lực mềm phụ thuộc rất lớn vào bối cảnh. Vì thế, muốn đạt được ý định, đầu tiên phải xây dựng được một bối cảnh chín muồi trước khi bắt đầu triển khai các bước thực thi quyền lực mềm.
Hành động thể hiện quyền lực rắn trong chuyện tranh chấp lãnh thổ khiến thế giới nghi ngờ tuyên bố “đi theo con đường phát triển hòa bình” của Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
|
Thế nhưng có vẻ như Trung Quốc lại thường tự tay phá đi bối cảnh có lợi của mình. Những tuyên bố, hành động thể hiện quyền lực rắn trong chuyện tranh chấp lãnh thổ khiến thế giới nghi ngờ tuyên bố “đi theo con đường phát triển hòa bình” của Bắc Kinh.
Trong bài bình luận đăng trên báo mạng The Huffington Post, cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Berggruen (Mỹ) Nathan Gardels chỉ ra rằng việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố Vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông năm 2013, cắm phi pháp giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) trong vùng biển VN hồi tháng 5.2014 và cách hành xử của nước này trong tranh chấp với Philippines khiến chiến lược quyền lực mềm không thể phát huy tác dụng, thậm chí còn tạo sự kháng cự đối với Viện Khổng tử hoặc sản phẩm Trung Quốc càng mạnh hơn… Và chuyên gia Gardels nhận định nhiều phần còn lại của thế giới vẫn cảm nhận “một tâm trạng đối đầu nào đó” đối với Bắc Kinh.
Theo một số chuyên gia, Trung Quốc còn bị đánh giá là thiếu thứ sản phẩm văn hóa đại chúng có thể khiến thế giới “nhớ mặt” như truyện tranh, phim hoạt hình Nhật Bản hay phim truyền hình, nhạc trẻ Hàn Quốc. Ngoại trừ một số trường hợp thành công cá biệt, phim võ hiệp nước này vẫn quanh quẩn trong một khu vực nhỏ và bị cho là chất lượng ngày càng đi xuống. Về sản phẩm tiêu dùng, Trung Quốc nổi tiếng về hàng nhái, hàng giả, thực phẩm bẩn sau nhiều vụ tai tiếng liên tiếp. Ngoài ra, các tập đoàn như Huawei và Xiaomi được xem là mũi nhọn cạnh tranh về công cụ quyền lực mềm trong mảng sản phẩm công nghệ thì lại bị cảnh báo, điều tra về nghi vấn do thám người dùng và thiếu bảo mật thông tin, theo Reuters.
|
Bình luận (0)