Theo CNN, truyền thông nhà nước đưa tin các công ty ở vùng trung tâm công nghiệp Trung Quốc phải hạn chế tiêu thụ năng lượng để giảm nhu cầu điện năng. Nhiều công ty giảm số ngày làm việc cho nhân viên còn 2 - 3 ngày/tuần, những trung tâm mua sắm ở phía đông bắc thành phố Cáp Nhĩ Tân cũng thông báo sẽ đóng cửa sớm hơn thường lệ nhằm tiết kiệm điện.
Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc cũng trải qua đợt khủng hoảng năng lượng tương tự, nhưng tình hình hiện giờ còn nguy cấp hơn do giá năng lượng tăng và Bắc Kinh đang chật vật kiểm soát lượng khí thải carbon.
Gần đây, Pegatron - công ty cung cấp linh kiện và lắp ráp iPhone cho Apple buộc phải đình chỉ sản xuất tại nhà máy ở thành phố Côn Sơn theo lệnh từ chính quyền địa phương, cùng hàng loạt nhà cung cấp khác như Eson Precision Engineering, Unimicron Technology, Concraft Holding, Foxconn... Các nhà cung cấp linh kiện cho xe điện Tesla như Eve Energy và Ningbo Joyson Electronic cũng tạm ngưng hoạt động. Điều này báo trước rằng người tiêu dùng toàn cầu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu smartphone và thiết bị điện tử vào mùa Giáng sinh năm nay.
Giới quan sát cũng đang dõi theo động tĩnh của những hãng sản xuất ô tô nội địa như BYD, Geely Automobile Holdings, Li Auto, SAIC Motor và XPeng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng nhiều nhà sản xuất đã sử dụng hết hạn ngạch của năm nay nhanh hơn dự kiến do nhu cầu xuất khẩu tăng cao trở lại sau đại dịch Covid-19.
Dưới áp lực từ chính sách năng lượng mới của Trung Quốc, các công ty công nghệ nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc bị giáng đòn nặng nhất. CNBC dẫn lời Johan Annell - đối tác của công ty tư vấn Asia Perspective: “Một số công ty đang chần chừ đầu tư vào Trung Quốc. Họ quyết định không ra tay ngay bây giờ".
Người này cho biết khoản đầu tư của những doanh nghiệp nước ngoài có thể trị giá hàng chục triệu USD. Dù Trung Quốc là điểm đến lý tưởng cho hoạt động sản xuất, nhưng tình hình hiện tại khiến các doanh nghiệp chùn bước, muốn chuyển hướng sang những nước Đông Nam Á như Việt Nam.
Dale Gai - giám đốc tại Counterpoint Research cho rằng tình trạng thiếu điện đang gây ra "cơn đau đầu mới“ cho chuỗi cung ứng công nghệ, chỉ xếp sau cuộc khủng hoảng chất bán dẫn toàn cầu. Dù mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát, Gai cho rằng việc sản xuất linh kiện sẽ chậm lại suốt 1 tuần hoặc lâu hơn thế.
Bình luận (0)