Ông Quách Lượng, Giám đốc điều hành nhà phát triển ô tô bay Trung Quốc Aerofugia (tức Ốc Phi Trường Không), khẳng định việc thương mại hóa hoàn toàn ô tô bay ở nước này sẽ bắt đầu vào năm 2025 hoặc 2026. Vị giám đốc này nhận định cuộc cách mạng mà ô tô bay tạo ra sẽ vượt qua cuộc cách mạng điện khí hóa ô tô của xe điện.
Có nhiều kiểu ô tô bay đang được phát triển, nhưng nhìn chung chúng đều có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, chạy điện và có thể không cần phi công.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Nikkei Asia, ông Quách Lượng cho biết ô tô bay sẽ thành phương thức di chuyển của tương lai. Ban đầu, giá vé di chuyển bằng ô tô bay có thể bằng 1/3 hoặc 1/5 so với đi trực thăng nhưng giá sẽ giảm dần trong tương lai.
Aerofugia là một công ty con của tập đoàn Geely nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất ô tô.
Theo dự báo của ngân hàng Morgan Stanley, thị trường ô tô bay toàn cầu dự kiến đạt giá trị 1.000 tỉ USD vào năm 2040, sau đó tăng lên 9.000 tỉ vào năm 2050.
Trong đó, Trung Quốc đang trên đà nắm giữ 23% thị phần của thị trường ô tô bay vào năm 2050, đứng thứ hai sau thị phần 27% của Mỹ.
Cho đến nay, dường như không có thị trường nào trên thế giới mà ô tô bay được thương mại hóa hoàn toàn.
Hiện có một số công ty đi đầu trong lĩnh vực phát triển ô tô bay, như Joby Aviation của Mỹ, Vertical Aerospace của Anh hay start-up SkyDrive của Nhật Bản.
Boeing và các công ty lâu đời khác trong ngành công nghiệp máy bay cũng đã rót nguồn lực phát triển phương tiện mới này vì nhìn thấy tương lai nơi con người sẽ di chuyển mà không cần phi công.
Hiện có nhiều loại ô tô bay đang được phát triển trên toàn cầu nên rất khó để xác định ưu và nhược điểm vào lúc này. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng pin để cung cấp năng lượng cho ô tô bay lại tập trung ở Trung Quốc. Điều này sẽ mang lại lợi thế cho Trung Quốc trong giai đoạn ô tô bay được sản xuất hàng loạt.
Từ năm ngoái, Trung Quốc đã công bố lộ trình phát triển ô tô bay, bao gồm thiết lập các quy tắc an toàn.
Bình luận (0)