Trung Quốc tìm cách giữ chặt châu Phi, Nam Á

05/01/2022 07:47 GMT+7

Trung Quốc đang tìm cách mở rộng sự hiện diện và xoa dịu bất mãn từ những nước vay nợ trong chuyến thăm các nước châu Phi và Nam Á của Ngoại trưởng Vương Nghị.

Từ ngày 4 - 7.1, ông Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ - Ngoại trưởng Trung Quốc, có chuyến thăm 3 nước châu Phi gồm Eritrea, Kenya và Comoros. Sau đó, ông Vương sẽ tiếp tục ghé thăm 2 đảo quốc Ấn Độ Dương gồm Sri Lanka và Maldives đến ngày 9.1, theo Đài CGTN.

Một dự án xây dựng đường cao tốc do công ty Trung Quốc thực hiện tại Nairobi, Kenya

Reuters

Củng cố lợi ích kinh tế, an ninh

Tờ South China Morning Post dẫn lời giới chuyên gia nhận định chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Vương Nghị tập trung vào khu vực phía đông của châu Phi, giáp Ấn Độ Dương. Cả 5 nước mà Ngoại trưởng Vương Nghị ghé thăm đều là một phần trong sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng. Trong đó, Eritrea là nước vừa mới tham gia vào tháng 11.2021.

Mặt khác, việc dừng chân tại Eritrea được cho là nhằm mở rộng khả năng tiếp cận với biển Đỏ, cửa ngõ chiến lược nối phương Tây với phương Đông. Trung Quốc đang có nhiều dự án đầu tư về hạ tầng trong khu vực và sở hữu một căn cứ quân sự tại quốc gia láng giềng của Eritrea là Djibouti.

Theo đánh giá, nhờ vị trí chiến lược, Eritrea có thể trở thành trung tâm khu vực, kết nối các thị trường lân cận như Ethiopia, Nam Sudan và Sudan - những nơi Trung Quốc đều hiện diện lợi ích kinh tế. Cũng có khả năng Trung Quốc sẽ đầu tư vào các cảng nằm bên bờ biển Đỏ như Massawa và Assab.

Tổng thống Uganda: người Trung Quốc quyết liệt "gõ cửa" vì cơ hội đầu tư

Tuy nhiên, cuộc xung đột tại vùng Tigray ở Ethiopia mà Eritrea cũng là một bên tham gia đã khiến giới chức Bắc Kinh ngày càng lo ngại. Một vài chuyên gia nhận định an ninh tại khu vực là ưu tiên của Bắc Kinh và cuộc xung đột tại Tigray sẽ là chủ đề chính được bàn bạc trong chuyến thăm của ông Vương đến Eritrea.

Xoa dịu bất đồng

Tại Kenya, Ngoại trưởng Trung Quốc được cho sẽ tìm cách xoa dịu giới chức liên quan đến những dự án hạ tầng do Bắc Kinh đầu tư và việc số nợ ngày càng phình to. Đáng chú ý, Kenya sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 8 tới và nhiều lãnh đạo đối lập đã chỉ trích chính quyền đương nhiệm vì vay quá nhiều từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án hạ tầng, trong đó một số dự án đường sắt lớn đang bị “đắp chiếu”.

Tương tự, nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Sri Lanka và Maldives cũng không diễn ra suôn sẻ khi khoản vay của các nước này từ Bắc Kinh đang gây ra những vấn đề lớn. Theo tờ Business Standard, ước tính số nợ của Maldives vay của Trung Quốc lên mức 3,4 tỉ USD, làm dấy lên lo ngại khả năng trả nợ, đặc biệt khi nền kinh tế phụ thuộc du lịch của nước này bị ảnh hưởng nặng trong đại dịch.

Trong khi đó, Trung Quốc và Sri Lanka gần đây bất ngờ rơi vào bất đồng liên quan lô hàng phân bón hữu cơ nhập từ Trung Quốc mà Sri Lanka cho rằng bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, những dự án đầu tư của Trung Quốc tại đảo quốc này đã gây ra những phản đối vì lo ngại Sri Lanka có thể rơi vào “bẫy nợ”. Ngoại trưởng Vương Nghị có thể sẽ mang đến những đề nghị đầu tư mới như dự án xây dựng thành phố cảng Colombo 1,4 tỉ USD do Bắc Kinh rót vốn nhằm giảm bớt áp lực cho nền kinh tế Sri Lanka, vốn đang trong cuộc khủng hoảng và có nguy cơ vỡ nợ.

Nhân tố Ấn Độ

Theo trang South Asia Monitor, việc Trung Quốc nảy sinh bất đồng gần đây với Sri Lanka và Maldives được cho là diễn ra cùng lúc 2 đảo quốc này tìm cách củng cố lại mối quan hệ với Ấn Độ.

Năm ngoái, Sri Lanka chấp thuận, nhưng rồi hủy dự án năng lượng với Trung Quốc tại vùng đông bắc sau khi Ấn Độ phản đối vì lo ngại an ninh. Đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka sau đó đăng tuyên bố trên Twitter rằng giới chức Sri Lanka không chấp thuận dự án vì sự can thiệp của nước thứ ba. Trong khi đó, quan hệ Maldives -Trung Quốc đã không còn tốt đẹp như trước, từ khi Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih nhậm chức vào năm 2019 và chọn chính sách “Ấn Độ trước tiên”. Hồi tháng 7.2021, Maldives không có tên trong chương trình hỗ trợ giảm nghèo của Trung Quốc tại Nam Á. Tổng thống Solih sau đó điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm cải thiện mối quan hệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.