Trung Quốc tìm sách lược ứng phó Triều Tiên

08/10/2016 15:30 GMT+7

Một số học giả và giới hoạch định chính sách Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận về khả năng ủng hộ hành động loại bỏ nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Đó là khẳng định của giáo sư nổi tiếng người Trung Quốc Tôn Triết khi phát biểu trong một hội thảo tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) hôm qua, theo Yonhap.
Ông Tôn hiện là đồng Giám đốc Chương trình Sáng kiến Trung Quốc thuộc ĐH Columbia (Mỹ), đồng thời là Giám đốc sáng lập Trung tâm quan hệ Mỹ - Trung thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Trước đó, ông từng kinh qua các cương vị chuyên gia tư vấn cấp cao cho Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung và cố vấn cấp cao cho Văn phòng Sự vụ Đài Loan của chính phủ Trung Quốc.
“Tấn công chính xác”
Yonhap dẫn lời Giáo sư Tôn khẳng định ở Trung Quốc đang diễn ra tranh luận gay gắt về cách ứng phó CHDCND Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ song phương đang trắc trở và Bình Nhưỡng ngày càng tỏ ra “khó bảo”. “Một số học giả và các nhà hoạch định chính sách bắt đầu nói tới việc ủng hộ những cuộc tấn công chính xác (tức hành động chớp nhoáng nhằm thẳng vào mục tiêu đã định và hạn chế tối đa thiệt hại ngoài dự kiến - NV) do Mỹ và Hàn Quốc tiến hành để loại bỏ giới lãnh đạo Triều Tiên. Theo họ, khả năng này có thể được xem là một lựa chọn chính sách cho Bắc Kinh”, ông Tôn nói rõ và cho biết thêm, Hoàn Cầu thời báo thậm chí từng viết xã luận nói Trung Quốc “có thể đóng góp” cho những nỗ lực nhằm “triệt tiêu khả năng hạt nhân” của Triều Tiên.
Giáo sư Tôn khẳng định nhiều học giả, chuyên gia Trung Quốc còn đưa ra đề nghị mang tính quyết liệt hơn như “Trung Quốc nên thay đổi giới lãnh đạo Bình Nhưỡng, điều lực lượng vượt biên giới và đóng quân ở Triều Tiên, buộc nước này từ bỏ hạt nhân, bắt đầu mở cửa và cải cách”.
Đây là những dấu hiệu cho thấy một bộ phận trong giới chính sách của Trung Quốc đã mất kiên nhẫn với chính quyền Kim Jong-un, nhất là sau cuộc thử hạt nhân lần thứ 5 hồi tháng rồi, theo Yonhap.
Tuy nhiên, phần đông chuyên gia vẫn cho rằng Trung Quốc “nên tránh thái độ mang tính bá quyền và tin rằng mình có thể sửa đổi hành vi của Triều Tiên”, Giáo sư Tôn cho biết. Theo ông, cuộc tranh luận sôi nổi hiện nay ở Trung Quốc tập trung vào những nội dung như Triều Tiên là “bạn chiến lược hay cục nợ?”, hiệu quả thực tế của những biện pháp trừng phạt, vấn đề hạt nhân và vấn đề tị nạn ở khu vực biên giới hai nước.
Đến nay, tại Trung Quốc vẫn tạm giữ được sự đồng thuận là phải duy trì ổn định của thể chế Triều Tiên theo nguyên tắc 3 không (không chiến tranh, không hạt nhân và không hỗn loạn). Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình ngày càng biến động thì vẫn có khả năng thay đổi trong chiến lược của Bắc Kinh. “Câu hỏi gây tranh cãi nhiều nhất hiện nay là Trung Quốc sẽ trả giá lớn đến mức nào cho việc ủng hộ chính quyền Kim Jong-un”, Yonhap dẫn lời ông Tôn nói.
Triều Tiên sắp gây bất ngờ?
Trong lúc Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang đau đầu về các động thái mới của Triều Tiên, thì nước này tiếp tục có dấu hiệu tăng cường hoạt động tại bãi thử hạt nhân. Giới chức Seoul hôm qua khẳng định miền Bắc dường như sẵn sàng thực hiện đợt thử hạt nhân mới hoặc phóng tên lửa bất kỳ lúc nào.
Theo Yonhap, quân đội Hàn Quốc đang trong tình trạng báo động cao vì lo ngại Triều Tiên sẽ có thêm hành động “khiêu khích” nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên (10.10).
Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu mới của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), Triều Tiên có thể sẽ có hành động gây “bất ngờ” xung quanh thời điểm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ (8.11). CNN trích nội dung báo cáo cho hay trong 60 năm qua, Triều Tiên nhiều lần bị cho là gây căng thẳng xung quanh thời điểm bầu cử Mỹ, đặc biệt trong những năm gần đây.
CSIS chỉ ra Triều Tiên phóng tên lửa và sau đó tiến hành thử hạt nhân ngay sau khi ông Barack Obama đắc cử năm 2008. “Hành động mới có thể sẽ là thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc phóng tên lửa đẩy vệ tinh vào quỹ đạo”, CNN dẫn lời tác giả nghiên cứu Victor Cha dự đoán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.