Trung Quốc đang xúc tiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân di động nhằm phục vụ các hoạt động phi pháp trên Biển Đông.
Ảnh thiết kế một nhà máy điện hạt nhân nổi của Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc - Ảnh: CNPRI |
Tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 22.4 đưa tin Trung Quốc “đang tiến gần” đến việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi, có thể di chuyển đến những khu vực xa xôi trên biển và cung cấp nguồn điện ổn định. Tờ báo dẫn lời ông Lưu Trịnh Quốc, Chánh văn phòng Tổng công ty công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC), cho biết công ty đang thúc đẩy dự án này. “Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi là xu hướng đang ngày càng thịnh hành” và nhấn mạnh rằng nhu cầu hiện nay “khá lớn”.
Khi được hỏi về vấn đề này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm qua 22.4 nói “chưa nắm được cụ thể thông tin trên báo chí”.
Trung Quốc sẽ xây nhà máy điện hạt nhân di động ở Biển Đông?
Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện hạt nhân di động ở Biển Đông để cung cấp điện cho các hoạt động và dự án xây dựng của Bắc Kinh ở khu vực này, theo Hoàn Cầu Thời báo ngày 22.4.
Trong khi đó, giới phân tích quân sự Trung Quốc không giấu giếm ý đồ sử dụng nhà máy điện hạt nhân nổi phục vụ chiến lược chiếm đóng Biển Đông. Hoàn Cầu thời báo dẫn lời chuyên gia hải quân Lý Kiệt tuyên bố nhà máy có thể cung cấp điện cho những công trình phi pháp trên Biển Đông như hải đăng, cơ sở quân sự, sân bay, cảng... “Thường chúng ta dùng dầu hoặc than đá để sản xuất điện. Tuy nhiên, do khoảng cách xa xôi giữa Nam Sa (tên gọi ngụy xưng của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN - NV) với đất liền cũng như những biến động của thời tiết và đại dương, việc vận chuyển nguyên liệu có thể không dễ dàng. Đó là lý do tại sao việc xây nhà máy điện hạt nhân nổi có tầm quan trọng lớn”, Lý Kiệt nói.
Nếu Trung Quốc thật sự đưa nhà máy điện hạt nhân di động ra vận hành tại những khu vực chiếm đóng và xây dựng phi pháp trên Biển Đông, đây sẽ là hành động vi phạm chủ quyền không thể tranh cãi của VN đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là chưa kể nguy cơ tình hình Biển Đông sẽ trở nên phức tạp hơn.
Nếu các nhà máy này gặp sự cố do bão chẳng hạn thì sẽ gây nhiễm xạ, tiếp tục tàn phá môi trường sinh thái tại Biển Đông vốn đã phải chịu những tác động nghiêm trọng từ hoạt động xây dựng và bồi đắp đảo phi pháp thời gian qua. Ngoài ra, dù giới truyền thông nước này đến nay vẫn tuyên bố nhà máy điện hạt nhân nổi chỉ phục vụ mục đích dân sự nhưng cũng như những “công trình dân sự” khác đang hiện diện phi pháp trên Biển Đông, không ai có thể đảm bảo chúng không nằm trong kế hoạch quân sự hóa khu vực và “tạo sự đã rồi”.
Thư viện phi pháp trên đảo Phú Lâm
Trung Quốc vừa đưa vào hoạt động một thư viện xây dựng phi pháp trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN. Theo Tân Hoa xã, công trình này được khánh thành ngày 21.4 trong khuôn viên một ngôi trường xây hồi tháng 11.2015. Trường này hiện có 10 giáo viên cùng 28 học sinh mầm non và tiểu học. Đây là thư viện đầu tiên tại cái gọi là “TP.Tam Sa” do Trung Quốc đơn phương thiết lập trái phép hồi tháng 7.2012 nhằm tự cho mình quyền “quản lý” Hoàng Sa và Trường Sa.
|
Bình luận (0)